(GLO)- Ngày 6-10, UBND tỉnh Gia Lai có Công văn hỏa tốc số 1484/UBND-NL về việc chủ động triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, hồi 14 giờ ngày 6-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 114,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới. Trong 24 giờ tới, khu vực tỉnh Gia Lai chịu ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới nối với áp thấp nhiệt đới trên khu vực giữa Biển Đông có khả năng mạnh thêm, kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh dần lên. Lượng mưa các huyện Kbang, Đak Pơ, Kông Chro, Ia Grai, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Păh và thị xã An Khê phổ biến từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Các huyện còn lại từ 30-60 mm, có nơi trên 80 mm. Gió Tây Nam cấp 2-3, có lúc cấp 4.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, mưa lũ lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du hồ chứa, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư, các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 1311/CĐ-TTg ngày 6-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 1447/UBND-NL ngày 1-10-2021 của UBND tỉnh; Công văn số 3565/BCH-PCTT ngày 1-10-2021 của Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai chủ động triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ. Ảnh: Báo Lao động |
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Rà soát, chủ động triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để bảo đảm an toàn, đồng thời phòng-chống dịch Covid-19. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó với bão mạnh, lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng khu vực thấp trũng, lũ quét, sạt lở đất, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất các năm trước đây, sẵn sàng cho tình huống gây chia cắt, cô lập các khu vực.
Triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, bảo vệ trọng điểm xung yếu; tổ chức vận hành phù hợp, bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ thủy điện nhỏ, công trình đang thi công, sửa chữa; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống.
Triển khai hoạt động lực lượng xung kích tại cơ sở; kiểm soát, hướng dẫn phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất các năm trước đây để kịp thời triển khai công tác sơ tán dân cư, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.
Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai; Đài Truyền thanh và Truyền hình các huyện, thị xã, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh thường xuyên cập nhật về diễn biến của áp thấp, mưa lớn; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó.
Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các thành viên Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo địa bàn được phân công tại Công văn số 1688/BCH-PCTT ngày 31-7-2019 của Trưởng ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng-chống, ứng phó thiên tai ở các địa phương được giao phụ trách. Đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh (qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh).
KIỀU PHAN