Thời tiết

Cảnh báo thiên tai

Gia Lai: Chủ động ứng phó thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chủ động xây dựng phương án phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Những tháng đầu năm nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến khó lường, nắng nóng kéo dài, mùa mưa đến muộn và thấp hơn trung bình nhiều năm đã gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, thiệt hại do hạn hán gây ra hơn 157 tỷ đồng và thiệt hại do giông lốc hơn 7,3 tỷ đồng.

Trong mùa mưa bão, các địa phương cần chủ động xây dựng phương án phòng-chống thiên tai. Ảnh: Huy Tịnh

Trong mùa mưa bão, các địa phương cần chủ động xây dựng phương án phòng-chống thiên tai. Ảnh: Huy Tịnh

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, từ nay đến tháng 9 có khả năng xuất hiện 5-8 đợt áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Riêng trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện khoảng 3-4 đợt mưa lớn ở khu vực phía Tây. Ngoài ra, một số địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra mưa giông, lốc, sét, mưa đá, gió mạnh tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại về người và tài sản. Từ tháng 10 đến tháng 12 có thể xuất hiện các đợt mưa lớn trên diện rộng và mùa mưa nhiều khả năng sẽ kết thúc muộn hơn những năm trước.

Trên cơ sở dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, các địa phương ở khu vực phía Tây tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị trang-thiết bị, phương tiện, nhân lực để ứng phó kịp thời với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Xã Ia Piơr (huyện Chư Prông) thường bị ngập úng cục bộ mỗi khi mưa lớn kéo dài, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Ông Hà Văn Tin-Phó Chủ tịch UBND xã-cho biết: Khoảng 2 năm trở lại đây, mỗi khi mưa lớn kéo dài, nước từ các suối dâng cao gây ngập úng cục bộ tại các thôn Yên Hưng, Đoàn Kết và làng Phung.

Từ tháng 3 năm nay, UBND xã đã xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó với ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp. Xã cũng kiện toàn Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai; củng cố tổ xung kích cộng đồng ở các thôn, làng và tuyên truyền, vận động người dân chuẩn bị phương án dịch chuyển tài sản, vật nuôi lên những khu vực cao hơn nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Còn ông Nguyễn Văn Tuy-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Yên Hưng (xã Ia Piơr) thì cho hay: Mưa lớn kéo dài thường gây ngập úng cục bộ và cô lập một số hộ dân do trục đường vào thôn trũng thấp. Để ứng phó trong mùa mưa lũ năm nay, thôn đã họp và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, củng cố tổ xung kích chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, trang-thiết bị và các vật dụng để hỗ trợ kịp thời khi mưa lớn xuất hiện gây ngập úng cục bộ, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Nước sông Ba cạn kiệt trong mùa khô 2024. Ảnh: Nguyễn Diệp

Nước sông Ba cạn kiệt trong mùa khô 2024. Ảnh: Nguyễn Diệp

Để chủ động ứng phó kịp thời với những tình huống thiên tai có thể xảy ra, UBND huyện Đức Cơ đã ban hành kế hoạch phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Ngọc Phận cho biết: Để chủ động trong công tác phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa năm nay, huyện xây dựng kế hoạch tập trung ứng phó với sét, giông, lốc xoáy từ tháng 4 đến tháng 7.

Từ tháng 7 đến tháng 9 có thể xảy ra lũ quét, mưa lớn gây lũ lụt, sạt lở đất, vỡ đập thủy lợi, thủy điện... tại các xã như: Ia Dơk, Ia Pnôn, Ia Nan, khu vực suối Ia Kriêng (xã Ia Kriêng), suối Đôi (xã Ia Dom)… nên UBND huyện đã chỉ đạo các xã kiểm tra, rà soát các công trình để có phương án sửa chữa kịp thời những hư hỏng, bảo đảm an toàn các hồ chứa, cầu cống dân sinh.

Bên cạnh đó, tổ chức lực lượng túc trực 24/24 giờ, kịp thời phối hợp với các đồn Biên phòng và các công ty thuộc Binh đoàn 15 chuẩn bị sẵn sàng trang-thiết bị, phương tiện, con người để ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Trao đổi với P.V, ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Hiện nay, khu vực phía Tây tỉnh đang vào mùa mưa. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, từ nay đến cuối năm, diễn biến thời tiết rất phức tạp về cường độ và mức độ.

Nhằm chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ban chỉ huy phòng-chống thiên tai và các ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nhất là các đợt ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn kéo dài nhiều ngày để thông tin kịp thời đến người dân chủ động phòng tránh.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý hồ đập thủy lợi, thủy điện thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu nhằm kịp thời phát hiện và xử lý sớm những hư hỏng, kiểm tra vận hành các hồ chứa đã tích đủ nước; chuẩn bị trang-thiết bị, phương tiện, nhân lực, vật lực đầy đủ theo phương châm “4 tại chỗ”.

“Để chuẩn bị ứng phó với các tình huống thiên tai trong mùa mưa lũ năm nay, Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp cùng các địa phương tổ chức rà soát các phương tiện và vật dụng ứng phó như nhà bạt, phao cứu sinh, phao tròn, ca nô, xuồng, bộ đàm, xe các loại, máy phát điện… đảm bảo tất cả đều sử dụng tốt”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm