Thời tiết

Gia Lai chủ động ứng phó với mưa bão trong bối cảnh dịch bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên có các bản tin dự báo, cảnh báo để người dân và các địa phương chủ động phương án ứng phó, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai điện tử đã có cuộc phỏng vấn nhanh ông Nguyễn Văn Huấn-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dự báo khí tượng thủy văn (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên).

* P.V: Xin ông cho biết, cơn bão số 5 có ảnh hưởng như thế nào đến thời tiết Gia Lai?  

- Ông NGUYỄN VĂN HUẤN: Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, thời tiết trên địa bàn Gia Lai có mưa, mưa vừa và có nơi mưa to, lượng mưa phổ biến từ  30-50 mm, có nơi trên 70 mm. Cá biệt, khu vực tại hồ chứa nước Ia Glai (huyện Chư Sê), lượng mưa lên đến 61 mm, xã Ia Ake (Phú Thiện) 51 mm, khu vực hồ chứa nước thị trấn Chư Prông 47,2 mm... Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, từ ngày11-9 đến ngày 13-9, thời tiết trên địa bàn tỉnh Gia Lai sẽ có mưa trên diện rộng. Tại khu vực thị xã An Khê, các huyện Kbang, Đak Pơ, Kông Chro… khả năng xuất hiện các điểm mưa lớn cục bộ với lượng mưa trên 100 mm; còn lại phổ biến từ 50-100 mm và đến ngày 13-9 lượng mưa sẽ giảm dần.

Ông Nguyễn Văn Huấn theo dõi diễn biến cơn bão số 5 qua hình ảnh truyền về. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Nguyễn Văn Huấn theo dõi diễn biến cơn bão số 5 qua hình ảnh trên vệ tinh. Ảnh: Nguyễn Diệp


Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 5, kết hợp  đới gió Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh nên thời tiết Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Dự báo lượng mưa trong 24 giờ tới, tại khu vực các huyện, thị xã Phía Đông tỉnh và huyện Mang Yang, Đak Đoa, Ia Grai phổ biến từ 50-100 mm, có nơi trên 100 mm, khu vực Đông Nam tỉnh và các huyện Chư Sê, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, TP. Pleiku phổ biến từ 30-60 mm. Từ ngày 16 đến ngày 19-9, Gia Lai sẽ có đợt mưa trên diện rộng nhưng không lớn.

* P.V: Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên có những dự báo, cảnh báo gì để các địa phương chủ động ứng phó, thưa ông?

- Ông NGUYỄN VĂN HUẤN: Gia Lai mặc dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 5, nhưng theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, người dân các địa phương của tỉnh cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan có khả năng xảy ra như: giông, lốc, sét lũ ống, lũ quét trên các sông, suối nhỏ và sạt lở đất ở các khu vực đồi núi nguy cơ cao, nhất là khu vực các huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam tỉnh. Bên cạnh đó, thời tiết sẽ có gió giật cấp 5-6 nên người dân cần cảnh giác không trú mưa ở những khu vực có cây xanh lớn và khu vực dễ sạt lở. Khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh cần đề phòng mưa lớn tập trung vào chiều và tối ngày 11-9 kéo dài đến ngày 12-9.

 Mưa kéo dài trên địa bàn TP. Pleiku từ sáng ngày 11-9. Ảnh: Nguyễn Diệp
Mưa kéo dài trên địa bàn TP. Pleiku từ sáng ngày 11-9. Ảnh: Nguyễn Diệp


Từ nửa tháng nay, Gia Lai đã có mưa trên diện rộng dù lượng mưa không lớn, tập trung tại một số khu vực. Vì vậy, kết hợp với ảnh hưởng thời tiết của cơn bão số 5 này nên nguy cơ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ cũng cao hơn tại các huyện Ia Grai, Chư Prông, Chư Sê, Phú Thiện, Kbang... Đặc biệt, trong điều kiện các địa phương đang tập trung phòng-chống dịch Covid-19, cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết 3 giờ cập nhật một lần về lượng mưa và những ảnh hưởng của cơ bão số 5 để có phương án chủ động di dời dân và các khu vực cách ly không đảm bảo an toàn. Sau khi bão số 5 tan, người dân và chính quyền địa phương không nên chủ quan vì dễ xuất hiện mưa lớn sau bão.
Mưa bão trong bối cảnh một số địa phương còn diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên người dân cần hết sức lưu ý, không lơ là, mất cảnh giác khi vừa chống thiên tai, vừa chống dịch bệnh.
P.V: Xin cảm ơn ông!

 

NGUYỄN DIỆP (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm