Trong một giờ học của trẻ lớp 4-5 tuổi tại Trường Mầm non Tuổi Hoa (xã Ia Kênh, TP. Pleiku), cô giáo Tống Thị Thương đã sử dụng kết hợp tranh, ảnh, hiện vật, đồ chơi và các đồ dùng quen thuộc của người Jrai… để truyền đạt kiến thức cho trẻ. Không chỉ tạo sự cuốn hút, hấp dẫn cho giờ học mà phương pháp này còn giúp trẻ phát huy tối đa khả năng tư duy sáng tạo của mình.
Em Rơmah Vy vui vẻ nói: “Em rất thích tới trường vì ở đây có nhiều điều thú vị. Cô và các bạn đều rất yêu thương em”.
Cô Tống Thị Thương chia sẻ: “Để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo sự hứng thú đối với trẻ, chúng tôi đã linh hoạt trong giảng dạy; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các hoạt động theo phương thức học mà chơi-chơi mà học. Ngoài việc hiểu được tâm tư của trẻ, giáo viên còn phải nắm rõ về văn hóa, phong tục tập quán để khi áp dụng vào hoạt động giảng dạy sẽ bám sát điều kiện thực tiễn, dìu dắt trẻ phát triển một cách hài hòa, toàn diện”.
Trường Mầm non Tuổi Hoa có gần 200 học sinh, trong đó, học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 96%. Ngay từ đầu năm học 2024-2025, nhà trường đã chỉ đạo tổ chuyên môn và các đoàn thể xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể phù hợp bối cảnh địa phương, có nội dung bám sát vào chương trình giáo dục mầm non (GDMN).
Hiệu trưởng Trần Thị Bình cho biết: Hàng tháng, nhà trường tổ chức phát động giáo viên đăng ký giờ dạy tốt, soạn giáo án chất lượng; tổ chức sinh hoạt chuyên môn những tiết dạy khó; thi làm đồ dùng, đồ chơi để giáo viên nâng cao tay nghề.
Chúng tôi cũng tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh trong công tác đảm bảo an toàn cho trẻ; chỉ đạo việc xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ; đẩy mạnh các giải pháp xây dựng trường, lớp xanh-sạch-đẹp; thực hiện tốt việc lồng ghép nội dung giáo dục văn hóa truyền thống, giáo dục kỹ năng sống vào các hoạt động giáo dục, ngoại khóa phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường, địa phương và chương trình GDMN.
Tuy đứng chân trên địa bàn khó khăn nhưng Trường Mẫu giáo Hoa Sen (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) cũng đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học. Toàn trường có 270 học sinh, chủ yếu là người dân tộc thiểu số.
“Bên cạnh việc thực hiện chương trình giáo dục, nhà trường còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế với nhiều chủ đề khác nhau như: bé tập làm chiến sĩ, tổ chức ngày hội sách... Nhờ đó, trẻ được tiếp nhận các kiến thức, kỹ năng một cách thoải mái, nhẹ nhàng, vui tươi; thể hiện sự sáng tạo, chủ động, tự tin hơn trong giao tiếp, giao lưu với các bạn. Nhà trường còn cử giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”-Hiệu trưởng Đinh Thị Hòa cho hay.
Huyện Phú Thiện hiện có 12 trường mầm non, mẫu giáo. 100% cơ sở giáo dục thực hiện chương trình GDMN do Bộ GD-ĐT ban hành; 100% trẻ được an toàn trong trường học, được phát triển theo yêu cầu cần đạt của từng độ tuổi; 100% trẻ 5 tuổi được đánh giá theo Bộ chuẩn trẻ 5 tuổi; tỷ lệ trẻ mầm non học 2 buổi/ngày, đạt 100%; trẻ mẫu giáo được làm quen tiếng Anh đạt 14,1%. Hàng năm, qua hội thi “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm trong cơ sở GDMN” do ngành tổ chức, nhiều đơn vị trường học đã đạt thành tích xuất sắc.
Ông Phan Công Đương-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Thiện-thông tin: “Năm học 2024-2025, toàn huyện có 118 lớp với 6.219 trẻ thuộc bậc học mầm non; có 186 giáo viên và 30 cán bộ quản lý. Xác định GDMN tiếp tục đổi mới đồng bộ về quan điểm, nội dung và phương pháp, ngành GD-ĐT tiếp tục chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Cùng với đó, động viên, khích lệ giáo viên không ngừng tự học tập nâng cao trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay”.
Toàn tỉnh có 265 trường mầm non, mẫu giáo. Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, những năm qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang-thiết bị, đồ chơi, đồ dùng dạy học; đáp ứng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.
Cùng với đó, các cơ sở GDMN đã thiết kế môi trường giáo dục thân thiện, đảm bảo an toàn về thể chất và tâm lý cho trẻ, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Đến nay, 100% trường đã ban hành bộ quy tắc ứng xử và triển khai đến toàn thể cán bộ, giáo viên; tập trung xây dựng trường xanh-sạch-đẹp, an toàn, thân thiện, lấy trẻ làm trung tâm… giúp trẻ có cơ hội được trải nghiệm, khám phá; làm tốt công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, tạo sự đồng thuận trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long nêu rõ: Thực hiện chương trình GDMN, ngành đã tăng cường huy động các nguồn lực hợp pháp từ đơn vị, tổ chức, cá nhân nhằm xây dựng, cải thiện môi trường giáo dục và nâng cao các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; đặc biệt đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Song song với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc và hỗ trợ kỹ thuật đối với các cơ sở GDMN.
“Hiện nay, tỉnh Gia Lai đang tham gia 2 dự án gồm: “Bạn hữu trẻ em” và “TALK” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Tổ chức VVOB viện trợ. Các dự án nhằm mục tiêu giúp trẻ em thuộc vùng khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận công bằng các dịch vụ giáo dục thiết yếu, bảo đảm phù hợp với bối cảnh địa phương; tiếp cận những tiến bộ về GDMN của các nước trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng mục tiêu chương trình GDMN của Bộ GD-ĐT. Từ đó, góp phần cân bằng chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
Thời gian qua, các mô hình được nhân rộng từ 2 dự án đã góp thêm hiệu quả cho việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm của địa phương”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.