(GLO)- Cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam đã chấm dứt hơn 40 năm nhưng những hậu quả của nó vẫn hằn sâu và nhức nhối. Trong đó, “nỗi đau da cam/dioxin” vẫn hàng ngày hành hạ và dày vò nhiều gia đình Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với trách nhiệm của mình, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã chung tay xoa dịu nỗi đau dai dẳng này.
Trong 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam và một phần lãnh thổ của Lào, Campuchia 72 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 44 triệu lít chất da cam chứa 170 kg dioxin, một chất cực kỳ độc hại đã gây ra nhiều loại bệnh như: ung thư, suy nhược thần kinh, suy giảm hệ thống miễn dịch, tai biến sinh sản, dị tật bẩm sinh…
Phẫu thuật chỉnh hình cho nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: Xuân Quỳnh |
Hiện nay, cả nước có hơn 150 ngàn trẻ em bị dị tật bẩm sinh với các căn bệnh như liệt, chậm phát triển trí tuệ, mù, câm, điếc và các dị tật khác. Riêng ở Gia Lai có hơn 12 ngàn người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Có thể nói nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) là những người đau khổ nhất trong số những bệnh nhân và nghèo nhất trong những người nghèo.
Trong những năm qua, nhất là từ năm 2011 đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức vận động, thu hút được nhiều nguồn tài trợ, hỗ trợ cho các nạn nhân CĐDC, góp phần xoa dịu nỗi đau, giúp họ vươn lên cải thiện đời sống, hòa nhập cộng đồng. Trong đó phải kể đến các phong trào mang lại hiệu quả thiết thực và có sức lan tỏa trong cộng đồng như: “Tết vì người nghèo và nạn nhân CĐDC”, Tháng Hành động “Vì nạn nhân CĐDC”, Dự án “Giúp đỡ nạn nhân CĐDC các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Tây Ninh”… Từ các phong trào trên, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã vận động được trên 20 tỷ đồng để giúp đỡ cho gần 80 ngàn hộ nghèo, nạn nhân CĐDC, chủ yếu là tặng quà, hỗ trợ tiền mặt, cây, con giống để sản xuất… Ngoài ra, Hội còn vận động và tổ chức tặng xe lăn, xe lắc, sửa chữa nhà cho các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Từ sự hỗ trợ này cùng với chương trình làm nhà “Chữ thập đỏ”, nhiều hộ nạn nhân đã có được mái nhà ấm cúng, nhiều con em của nạn nhân CĐDC có cơ hội được đến trường.
Còn với Dự án “Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam các tỉnh Tây Nguyên và Tây Ninh” giai đoạn 2011-2015, trong 5 năm triển khai tại tỉnh, với kinh phí 4,495 tỷ đồng do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã giúp nhiều nạn nhân CĐDC được khám-chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng; hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật... để phát triển kinh tế gia đình. Cụ thể, đã khám sàng lọc cho 386 đối tượng nạn nhân CĐDC hệ vận động; phẫu thuật chỉnh hình cho 45 bệnh nhân; phục hồi chức năng cho 26 bệnh nhân tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn; phục hồi chức năng tại nhà cho 135 bệnh nhân; cung cấp dụng cụ chỉnh hình cho 45 bệnh nhân; cung cấp vật dụng trợ giúp tại nhà cho 135 bệnh nhân; hỗ trợ 649 hộ nạn nhân CĐDC nghèo và cận nghèo phát triển kinh tế (5,5 triệu đồng đối với hộ nghèo và 4,4 triệu đồng cho hộ cận nghèo để mua bò, dê giống, hỗ trợ sản xuất). Mặt khác, Hội còn vận động nguồn kinh phí đối ứng từ các hộ nạn nhân da cam là hơn 2,19 tỷ đồng, nâng tổng số nguồn vốn cho dự án là hơn 6,69 tỷ đồng.
Từ những con số ấn tượng trên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, mang đến niềm vui cho nhiều mảnh đời bất hạnh. Hành trình nhân đạo ấy đã chia sẻ với nỗi đau da cam cũng như những người yếu thế khác trong xã hội, góp phần không nhỏ vào thực hiện chính sách an sinh xã hội của tỉnh, đồng thời khẳng định vị thế, vai trò nòng cốt, cầu nối và điều phối của Hội Chữ thập đỏ trong các hoạt động nhân đạo trên địa bàn tỉnh.
Xuân Quỳnh