Du lịch

Hành trang lữ hành

Gia Lai Coffee Festival: Kết nối hệ sinh thái từ nông trại tới ly cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sự kiện trải nghiệm cà phê địa phương đầu tiên tại Gia Lai với chủ đề “Gia Lai-Vùng nguyên liệu chất lượng cao” diễn ra trong 2 ngày 8 và 9-9 tại TP. Pleiku đã trở thành diễn đàn kết nối hệ sinh thái ngành cà phê “from farm to cup” (từ nông trại tới ly cà phê). Đây cũng là sự kiện mở ra cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương, góp phần xây dựng thương hiệu cà phê Gia Lai.

Trải nghiệm cà phê Gia Lai

Sự kiện Gia Lai Coffee Festival được tổ chức bởi Trung tâm Dạy nghề pha chế Gia Lai-TRS1 Training Center với sự phối hợp, đồng hành, hưởng ứng của hơn 30 đơn vị thuộc hệ sinh thái ngành cà phê trong và ngoài tỉnh. Trong 2 ngày, Gia Lai Coffee Festival đã có các hoạt động hấp dẫn như: trải nghiệm các phương thức rang, xay và pha chế cà phê; thi đấu barista teamwork; talkshow về chuyên đề chất lượng cà phê Gia Lai. Ngoài ra, tại sự kiện còn trưng bày 32 mẫu cà phê chất lượng cao của Gia Lai và các dụng cụ pha chế, sách, tài liệu về lĩnh vực này.

Các hoạt động tại sự kiện đã lan tỏa được hương vị cà phê đặc trưng của vùng đất Gia Lai. Ảnh: T.D

Là đơn vị sản xuất cà phê đặc sản kết hợp phát triển kinh tế bền vững tại huyện Chư Prông, Công ty cổ phần VCU đã chuẩn bị chu đáo từ sản phẩm hạt cà phê xanh chất lượng cao, cà phê nhân rang xay với thiết kế bao bì độc đáo, bắt mắt để trưng bày tại sự kiện. Ông Nguyễn Tiến Định-Giám đốc Công ty-cho biết: “Chúng tôi luôn lấy cà phê chất lượng cao làm gốc, kết hợp với công nghệ hiện đại và điều chỉnh phù hợp với thực tế, tạo ra những sản phẩm có hương vị đặc biệt, đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng. Tại sự kiện này, chúng tôi muốn đưa tới những sản phẩm chất lượng nhất để mọi người trải nghiệm và đánh giá. Qua đó, chúng tôi muốn góp phần giới thiệu đặc sản cà phê Gia Lai tới cộng đồng người yêu cà phê trong và ngoài tỉnh”.

Đến với không gian trải nghiệm cà phê tại Gia Lai Coffee Festival, anh Nguyễn Hữu Thuận (xã Ia Din, huyện Đức Cơ) hào hứng bởi ngoài việc quảng bá thương hiệu cà phê Nguyên Sang của mình, anh còn được tìm hiểu cà phê tại vùng trồng Gia Lai như robusta, các dòng hạt specialty-loại cà phê arabica thượng hạng, chất lượng cao theo đánh giá của SCA (Hiệp hội Cà phê đặc sản quốc tế). “Tại sự kiện còn có trải nghiệm các phương pháp chiết xuất cà phê thú vị, từ pha phin truyền thống đến pha máy, V60-dụng cụ pha chế được xem là biểu tượng của làn sóng cà phê specialty, chemex-dụng cụ pha chế đơn giản làm hoàn toàn từ thủy tinh, cold brew-cà phê pha và ủ lạnh... Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ sự kiện này”-anh Thuận chia sẻ.

Du khách tìm hiểu các phương pháp pha chế cà phê hiện đại. Ảnh: Trần Dung

Cùng bạn bè thưởng thức hương vị của một vài dòng cà phê Gia Lai, anh Hồ Hoàng Minh Thắng-Chủ thương hiệu cà phê Rẫy Rừng (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) không khỏi bất ngờ khi nhận thấy Gia Lai là vùng đất tạo ra những hương vị cà phê đặc biệt khác nhau. Anh Thắng cho rằng: “Những người trẻ ở Gia Lai đang làm ra nhiều dòng cà phê đặc sản rất tốt, tạo tiền đề để đưa thương hiệu cà phê Gia Lai vươn xa. Mỗi dòng cà phê ở đây có một hương vị đặc trưng khác nhau từ cách rang xay đến pha chế. Là người kinh doanh và yêu cà phê, tôi rất vui và hào hứng với sự kiện trải nghiệm cà phê lần này”.

Tại Gia Lai Coffee Festival, người dân và du khách được trải nghiệm và sẻ chia những câu chuyện hấp dẫn đằng sau mỗi hương vị cà phê. Lần đầu có mặt ở Gia Lai, chị Nguyễn Hoàng Oanh-du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh-bày tỏ: “Tôi và gia đình đã dành trọn 2 ngày ở đây để thưởng thức và tìm hiểu về cà phê địa phương. Được tiếp xúc với những người nông dân trồng cà phê đến các nhà rang xay hay chủ quán cà phê đã giúp tôi hiểu và yêu hơn hương vị cà phê Gia Lai. Tất cả đã tạo nên ấn tượng khó quên”.

Còn với những người dân Pleiku thì đây là dịp để trải nghiệm các hoạt động chế biến cà phê đặc sản được giới thiệu tại sự kiện. “Gia Lai Coffee Festival đã để lại nhiều cảm xúc tốt đẹp trong lòng người yêu thích cà phê. Những dấu ấn khá đậm nét về cà phê chất lượng cao của vùng đất Gia Lai được tái hiện sinh động và chân thực tại sự kiện”-anh Nguyễn Văn Tân (tổ 3, phường Trà Bá, TP. Pleiku) chia sẻ.

Diễn đàn kết nối “from farm to cup”

Với tiêu chí “from farm to cup”, Gia Lai Coffee Festival trở thành sân chơi, diễn đàn kết nối hệ sinh thái ngành cà phê; đồng thời, tạo mối liên kết giữa người nông dân-nhà rang xay-chủ quán cà phê-người pha chế-người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm-đồng sáng lập Trung tâm Dạy nghề pha chế Gia Lai-TRS1 Training Center, Trưởng ban tổ chức sự kiện-thông tin: Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để sản xuất cà phê. Cà phê Gia Lai có hương vị rất đặc trưng với vùng nguyên liệu chất lượng cao. Tuy nhiên, sản phẩm cà phê của chúng ta chưa được phủ sóng trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.

“Chúng tôi tổ chức sự kiện này trong một không gian mở với mong muốn quảng bá vùng nguyên liệu cà phê Gia Lai. Ngoài hoạt động thuần về trải nghiệm thưởng thức và tìm hiểu cà phê Gia Lai, chúng tôi cũng đã kết nối giữa người nông dân-nhà rang xay-chủ quán cà phê-người pha chế-người tiêu dùng theo tiêu chí “from farm to cup”; hỗ trợ đưa hạt cà phê của người nông dân từ trang trại đến thành phẩm cuối cùng là những ly cà phê thơm ngon tới tay người tiêu dùng”-chị Tâm nhấn mạnh.

Du khách trải nghiệm các phương thức rang xay và pha chế cà phê. Ảnh: Trần Dung

Chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Chủ nông trại bền vững Moon Coffee farm (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) đến với sự kiện trong vai trò là người trồng cà phê. Chị Thủy cho hay: “Là một người nông dân-chủ nông trại cà phê sạch tại Gia Lai, tôi mong muốn sẽ có nhiều sân chơi như thế này để những người nông dân như chúng tôi có cơ hội gặp gỡ với nhà rang xay, quán cà phê để có thể nắm rõ quy trình của hạt cà phê sẽ về đâu? Đạt chất lượng như thế nào? Và đó cũng là lý do để những người nông dân yên tâm tập trung sản xuất tốt hơn”.

Dù đã tham gia hoạt động chế biến, rang xay cà phê chất lượng cao gần 7 năm nay nhưng đây là lần đầu tiên anh Nguyễn Quang Hùng-Chủ cơ sở Hùng Thịnh (xã Trà Đa, TP. Pleiku) tham gia diễn đàn kết nối với người trồng cà phê, chủ quán cà phê và người tiêu dùng. “Đây là nơi mở ra cơ hội để giúp tôi quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của mình. Tôi rất vui vì nhiều người tới tìm hiểu và kết nối với thương hiệu cà phê của mình”-anh Hùng cho biết. Còn anh Trần Lê Vĩnh An-Chủ quán cà phê Hani (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) thì cho rằng đây chính là dịp để có thêm những “bạn hàng” chất lượng. Từ đây, anh xây dựng thêm cho mình những mối liên kết để tìm ra những sản phẩm phù hợp với khách hàng.

Bày tỏ sự hài lòng với những hạt cà phê sạch, chất lượng từ nông trại đạt tiêu chuẩn được chế biến theo quy trình khép kín để cho ra những hương vị cà phê đặc trưng, anh Pramod Nagasam Pagi-du khách đến từ Ấn Độ-chia sẻ: “Đúng như tiêu chí “from farm to cup”, cà phê Gia Lai đem đến sản phẩm cà phê sạch và cung cấp cho khách hàng những gout thưởng thức cà phê độc đáo. Các dòng cà phê rất đa dạng từ pha phin truyền thống đến pha máy, từ loại có vị dịu nhẹ đến loại có vị đậm hơn nhưng vẫn để lại dư vị ngọt ngào”.

Có thể bạn quan tâm