Kinh tế

Gia Lai công bố kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 31-8, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố và đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; Hạt Kiểm lâm… công bố kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng tỉnh Gia Lai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 10-8-2021 về việc điều chỉnh Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh Gia Lai và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 527/QĐ-UBND ngày 23-8-2021.
Theo đó, tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là 723.156,38 ha, chiếm 46,62% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, giảm 18.097,18 ha so với trước đây; cả 3 loại rừng sản xuất, phòng hộ và đặc dụng có nhiều diện tích bị thay đổi. Cụ thể, rừng đặc dụng 82.208,33 ha, chiếm 11,37% diện tích đất lâm nghiệp (tăng 23.007,32 ha so với Nghị quyết số 100/NQ-HĐND); rừng phòng hộ 150.374,48 ha, chiếm 20,79% diện tích đất lâm nghiệp (tăng 5.867,13 ha); rừng sản xuất 490.573,57 ha, chiếm 67,84% diện tích đất lâm nghiệp (giảm 46.971,63 ha).
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT ông Nguyễn Văn Hoan chủ trì hội nghị. Ảnh: Lê Anh
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Sở Nông nghiệp và PTNT. Ảnh: Lê Anh
Trong lần rà soát, điều chỉnh quy hoạch này đã khắc phục được những hạn chế, thiếu sót trước đây như: kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng ở một số địa phương, đơn vị có sai lệch hoặc không còn phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế-xã hội. Thời điểm thực hiện rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng năm 2017 không đồng bộ với thời điểm điều chỉnh kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất của tỉnh năm 2019 nên số liệu giữa ngành Nông nghiệp và PTNT với ngành Tài nguyên và Môi trường có sự khác biệt. Nhu cầu sử dụng đất của một số dự án phát triển kinh tế-xã hội cần sử dụng một số diện tích đất chưa có rừng nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp...
Theo lộ trình, ngay sau khi được phê duyệt, các đơn vị, địa phương sẽ tổ chức quản lý theo quy hoạch đã phê duyệt, đặc biệt là các diện tích có chuyển đổi mục đích sử dụng trong quy hoạch này; công khai công bố kết quả quy hoạch đến cấp xã và các chủ rừng, làm căn cứ để quản lý các hoạt động liên quan đến quy hoạch đất lâm nghiệp trên địa bàn.
LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm