Thời sự - Sự kiện

Gia Lai: Cứu sống bệnh nhân bị kéo cắt cành cà phê đâm thủng tim

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Quá trình cắt cành cà phê, một phụ nữ bị ngã và bị kéo cắt cành cà phê đâm thủng tim, tình trạng nguy kịch, tiên lượng tử vong cao được ê kíp y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Gia Lai phẫu thuật cứu sống. Hiện sức khỏe bệnh nhân dần hồi phục, tiếp tục theo dõi, hồi sức sau mổ.

Thông tin từ Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Gia Lai), khoảng 17 giờ ngày 14-3, Khoa cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân Rcom Nay Ôm (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) được chuyển từ Trung tâm Y tế TP. Pleiku sang trong tình trạng có vết thương thấu ngực trái, suy tuần hoàn cấp, mạch, huyết áp không đo được, người lạnh, tím tái toàn thân, niêm mạc nhợt nhạt. Bệnh nhân lơ mơ, sốc, choáng do mất máu.

Kíp trực Khoa Cấp cứu do bác sĩ Nguyễn Công Huấn-trưởng kíp trực nhanh chóng chỉ định siêu âm cấp cứu tại giường cho bệnh nhân phát hiện tràn máu ngoài màng tim và có biểu hiện chèn ép tim. Bệnh viện lập tức kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, huy động lực lượng y, bác sĩ các khoa liên quan tiến hành triển khai cấp cứu khẩn cấp cho bệnh nhân.

Ê kíp y, bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện

Ê kíp y, bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ CKII Nguyễn Đình Nghĩa-Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Gia Lai), trưởng kíp mổ thông tin: Tình trạng bệnh nhân rất nặng, mạch, huyết áp không đo được, tim không nghe được…Ê kíp y bác sĩ tiến hành hội chẩn và nhanh chóng đưa bệnh nhân vào phòng phẫu thuật. Bệnh nhân được gây mê, mở hở lồng ngực phát hiện có khoảng 1.500 ml máu loãng và máu cục ở phổi bên trái. Vết thương thấu tim gây đứt rách màng ngoài tim vô tâm thất phải kích thước khoảng 1,5 cm khiến máu phun nhiều; trong màng ngoài tim có gần 500ml máu loãng. Ê kíp y, bác sĩ nhanh chóng làm sạch máu, tiến hành khâu lại tâm thất phải và cầm máu. Sau khi cầm máu, mạch và huyết áp bệnh nhân dần trở lại ổn định. Sau phẫu thuật, chiều 15-3, tình trạng bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực chống độc để hồi sức sau mổ. Hiện bệnh nhân tỉnh, có thể giao tiếp và sức khỏe dần hồi phục.

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Đình Nghĩa, đây là một ca bệnh hết sức hiếm, khó, phức tạp và vô cùng áp lực bởi tính mạng bệnh nhân tính từng giây và nếu không chẩn đoán chính xác, triển khai phẫu thuật nhanh chóng, kịp thời thì bệnh nhân có thể tử vong. “Ngoài ra, trong quá trình phẫu thuật, tỷ lệ bệnh nhân có thể tử vong trên bàn mổ cũng hết sức cao. Tuy nhiên với tinh thần trách nhiệm “Tất cả vì người bệnh” và với quyết tâm cứu sống người bệnh, toàn kíp phẫu thuật đã phối hợp chặt chẽ, dùng nhiều biện pháp, nỗ lực cấp cứu, phẫu thuật cứu chữa cho người bệnh. Mọi nỗ lực đã được đền đáp khi ca phẫu thuật trong khoảng 1 giờ đồng hồ đã thành công cứu sống tính mạng người bệnh trong gang tấc”- bác sĩ Nghĩa cho biết.

Bác sĩ CKII Nguyễn Đình Nghĩa- Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Gia Lai), trưởng kíp mổ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ CKII Nguyễn Đình Nghĩa- Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Gia Lai), trưởng kíp mổ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: Như Nguyện

Nhận tin bác sĩ thông báo người thân đã qua cơn nguy kịch, chị Rcom Bê (chị gái bệnh nhân) và gia đình hết sức xúc động. Chị Bê kể lại: Ngày 14-3, mấy chị em tôi đi cắt cành cà phê cho hộ dân gần nhà. Trong quá trình làm việc, em gái tôi bị té ngã và bị kéo cắt cành cà phê đâm vào ngực. Lúc đó, em tôi bị chảy máu rất nhiều, khó thở và được chuyển vào Trung tâm Y tế TP. Pleiku cấp cứu và tiếp tục chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Gia Lai. “Tình trạng hết sức nặng, gia đình chỉ có thể cầu nguyện mong phép màu xảy ra. May mắn, y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nỗ lực cứu chữa giúp cho em qua cơn nguy kịch, gia đình tôi cảm ơn các y, bác sĩ rất nhiều. Em tôi đã lập gia đình và đã có hai con nhỏ, kinh tế khó khăn. Vợ chồng là lao động chính trong nhà, nếu em ấy có mệnh hệ gì thì các cháu tôi sẽ khổ lắm”- chị Bê xúc động nói.

Được biết, quy trình báo động đỏ nội viện đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai gần chục năm qua. Tiến sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Đăng Bảo-Quyền Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho hay: Để triển khai được quy trình này, bệnh viện đã học tập kinh nghiệm từ các bệnh viện tuyến trên, đào tạo đội ngũ y, bác sĩ có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn và triển khai thực hiện. Qua thời gian triển khai, quy trình báo động đỏ nội viện đã góp phần cấp cứu kịp thời và cứu sống tính mạng cho nhiều người bệnh, đem lại niềm vui cho bệnh nhân và gia đình, đồng thời cũng là sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Có thể bạn quan tâm