Gia Lai: Đảm bảo dân chủ, đúng luật trong vận động bầu cử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được niêm yết, các địa phương ở Gia Lai khẩn trương xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử đảm bảo dân chủ, đúng luật.

Theo danh sách đã được Ủy ban bầu cử tỉnh công bố, toàn tỉnh có 14 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, 119 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XII, 951 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và 8.429 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026.

Trước đó, tỉnh đã thành lập 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội do Hội đồng bầu cử Quốc gia ấn định, 21 ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XII, 176 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 1.367 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã và 1.438 tổ bầu cử ở các khu vực bỏ phiếu. Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc niêm yết danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp tại các khu vực bỏ phiếu.
 

Huyện Chư Sê lắp đặt nhiều băng rôn, pa nô tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Đức Thụy
Huyện Chư Sê lắp đặt nhiều băng rôn, pa nô tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Đức Thụy


Ông Lê Văn Công-Chủ tịch UBND xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) cho hay: “Danh sách người ứng cử được chúng tôi niêm yết công khai tại 9 đơn vị bầu cử trong xã. Chúng tôi vẫn tiếp tục thông báo rộng rãi để người dân đến các điểm niêm yết danh sách cử tri kiểm tra thông tin và đến nay chưa có trường hợp nào phải bổ sung”.

Tại xã Bar Măih (huyện Chư Sê), các tổ bầu cử cũng thường xuyên rà soát, cập nhật, kiểm tra danh sách cử tri đã niêm yết theo quy định của Luật Bầu cử năm 2015 và hướng dẫn của Hội đồng bầu cử Quốc gia. “Về danh sách người ứng cử, xã đã niêm yết công khai, đầy đủ tại 6 điểm bỏ phiếu và tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, lồng ghép trong các buổi họp để cử tri nắm bắt thông tin, tìm hiểu về tiểu sử của người ứng cử”-Chủ tịch UBND xã Trần Minh Nhật cho biết.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 quy định: Thời gian vận động bầu cử bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ. Vì vậy, một số địa phương đã tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng vận động bầu cử cho các ứng cử viên. Qua đó, giúp các ứng cử viên xây dựng chương trình hành động sát thực tế và nâng cao kỹ năng trình bày, lắng nghe, trao đổi với cử tri khi vận động bầu cử. Song song đó, các địa phương đang khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử.

Bà Nguyễn Thị Thu Nhi-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kbang-thông tin: “Hội nghị triển khai kế hoạch hướng dẫn người ứng cử đại biểu HĐND huyện về việc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử trên địa bàn dự kiến tổ chức ngày 5-5. Sau đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và Mặt trận các xã, thị trấn sẽ tổ chức tiếp nhận các bản chương trình hành động của người ứng cử; đồng thời, tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, giám sát công tác triển khai bầu cử tại các địa phương theo thẩm quyền”.

Tương tự, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Pleiku triển khai xây dựng kế hoạch và sau khi thống nhất với UBND, HĐND thành phố sẽ tiến hành tổ chức hội nghị. Ông Từ Văn An-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Pleiku-cho hay: Trong thời gian này, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tiếp tục giám sát việc lập, niêm yết danh sách cử tri; lập, niêm yết danh sách người ứng cử và kiểm tra, giám sát việc tuyên truyền, vận động bầu cử.

Nói về mục đích của hội nghị tiếp xúc cử tri, ông Đinh Ngọc Hải-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-nhấn mạnh: Đây là bước quan trọng giúp cử tri cân nhắc, lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn, thật sự xứng đáng để bỏ phiếu. Bởi tại hội nghị tiếp xúc cử tri, người ứng cử sẽ trình bày chương trình hành động cụ thể nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; trao đổi dân chủ, thẳng thắn, cởi mở những vấn đề cử tri quan tâm.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, việc vận động bầu cử được tiến hành qua 2 hình thức: gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng dựa trên nguyên tắc: dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đối với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) và việc vận động bầu cử đối với cấp tỉnh kết thúc vào ngày 16-5.
 

PHƯƠNG DUNG