TN - Đất & Người

Gia Lai: Dân làng không nên tin, nghe theo kẻ xấu xúi giục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

'Bà con đừng nghe theo kẻ xấu xúi giục vượt biên để có cuộc sống sung sướng. Tôi đã lầm đường lạc lối, đi vượt biên khổ lắm, nhớ làng, nhớ gia đình lắm! Tôi được đưa về nước, được gặp lại mọi người là may mắn của cuộc đời. Bây giờ tôi chỉ ở nhà làm kinh tế, phát triển thôn làng, quê hương' - Ksor Vin, sinh năm 1996, ở thôn Yam, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai tâm sự.

 Ksor Vin (áo đen) trở về làng, được sự quan tâm giúp đỡ của bà con và chính quyền địa phương đã ổn định cuộc sống.
Ksor Vin (áo đen) trở về làng, được sự quan tâm giúp đỡ của bà con và chính quyền địa phương đã ổn định cuộc sống.



Là một trong 4 người cùng làng vượt biên sang Campuchia vào năm 2015, Ksor Vin nhớ lại cảnh sống chui lủi trong căn nhà trọ tồi tàn chờ được đưa sang Mỹ như lời kẻ xấu hứa hẹn. Không có cuộc đưa đón nào như lời hứa, thay vào đó là những ngày vượt suối, băng rừng gian khổ từ cửa khẩu Lệ Thanh sang đất nước Campuchia xa lạ. Chờ đợi trong mỏi mòn, không có tiền bạc để trang trải cuộc sống, trốn tránh chính quyền là những gì người dân nhẹ dạ cả tin nhận được trong những lần vượt biên.

Sau khi được Văn phòng Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn bảo lãnh, trong thời gian chờ để được trở về nước, Ksor Vin đã thấm cảnh xa quê, nhớ nhà và hối hận khi nghe theo bọn xấu xúi giục.

Cuối năm 2016, khi được trở về làng Yam, chính già làng, Trưởng thôn và Bí thư Đảng ủy thôn trực tiếp đi đón về, cảm giác hổ thẹn trong lòng Vin càng dâng cao. Với quyết tâm làm lại cuộc đời, từ đó Vin trở thành nhân tố tích cực giúp cán bộ địa phương tuyên truyền đến bà con trên địa bàn hiểu được tác hại của việc nghe theo người xấu xúi giục.

Ông Rmah Thê, Bí thư Chi bộ thôn Yam, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai cho biết: Làng Yam có 190 hộ, trong đó 146 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo. Lợi dụng điều kiện khó khăn, dân trí thấp của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, tổ chức phản động FULRO, “Tin lành Đê Ga” đã lôi kéo, xúi giục bà con vượt biên sang Campuchia, rồi từ đó sẽ được đón sang Mỹ sống cuộc sống sung sướng.

Từ năm 2015 đến nay, trong làng có 26 hộ dân, 98 nhân khẩu theo tổ chức “Tin lành Đê Ga”, trong đó 8 người đã vượt biên trái phép nhưng nhờ sự tuyên truyền vận động của chính quyền nên tất cả đã trở về làng làm ăn, phát triển kinh tế, không còn tư tưởng tìm đến cuộc sống sung sướng ở nước thứ 3 nữa.

Huyện vùng biên Ia Grai là địa bàn có tình hình hoạt động của tổ chức FULRO, “Tin lành Đê Ga” tương đối phức tạp. Cuối năm 2016, cơ quan chức năng phát hiện một số điểm tái nhóm họp hoặc có dấu hiệu tái nhóm họp tại làng Yam, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai.

Năm 2017, trên địa bàn thị trấn Ia Kha có 66 đối tượng đã từ bỏ FULRO, “Tin lành Đê Ga”, 21 đối tượng có tư tưởng lưng chừng, thái độ không rõ ràng, thiếu hợp tác với chính quyền. Ban chỉ đạo công tác giáo dục tại cộng đồng thị trấn Ia Kha đã đưa 21 đối tượng vào diện quản lý, giáo dục, cảm hóa tại cộng đồng.

Những năm qua, Ban chỉ đạo công tác giáo dục tại cộng đồng thị trấn Ia Kha đã mở nhiều lớp giáo dục cộng đồng, tập huấn cho cán bộ công chức và những người có uy tín trong thôn, làng được phân công quản lý đối tượng. Mỗi cán bộ, công chức của thị trấn được giao nhiệm vụ giáo dục từ 1 - 3 đối tượng; hàng tháng có nhận xét về kết quả công tác và đánh giá thái độ, hoạt động của đối tượng, cuối năm có nhận xét tổng kết và đề xuất phân loại đối tượng để đề ra biện pháp quản lý tiếp theo.

Ông Cao Minh Quyết, Trưởng Công an thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai cho biết: Trước tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tương đối phức tạp, chính quyền thị trấn đã kết hợp với các cơ quan, ban, ngành địa phương, huy động và phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở cơ sở trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng FULRO tại cộng đồng.

Đồng thời, nâng cao ý thức, từng bước làm chuyển biến nhận thức của quần chúng nhân dân về bản chất của FULRO, “Tin lành Đê Ga”, giúp các đối tượng hiểu được những hành vi vi phạm của mình, từ đó có ý thức chấp hành pháp luật, góp phần hạn chế hoạt động phục hồi, phát triển FULRO, “Tin lành Đê Ga” trên địa bàn.

Hồng Điệp (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm