Chính trị

Tin tức

Gia Lai: Đẩy mạnh hợp tác đối ngoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thông qua hoạt động đối ngoại, thời gian qua, nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đã tìm đến Gia Lai đầu tư và xem đây là địa chỉ tin cậy để tăng cường hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Để phát huy tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống tốt đẹp với các nước trong khu vực và quốc tế, trong đó đặc biệt chú trọng đến khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Hàng năm, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho hàng trăm lượt khách quốc tế đến du lịch, tiềm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư… Riêng 8 tháng năm 2017, Gia Lai đã tiếp 59 đoàn khách quốc tế như: Mỹ, New Zealand, Ấn Độ, Lào, Campuchia… hay các tổ chức phi chính phủ đến thăm và làm việc.

 

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa tỉnh Gia Lai và tỉnh Champasak (Lào). Ảnh: L.V.N
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa tỉnh Gia Lai và tỉnh Champasak (Lào). Ảnh: T.N

Theo ông Nguyễn Tùng Khánh-Giám đốc Sở Ngoại vụ, công tác ngoại vụ nói chung, ngoại giao kinh tế nói riêng được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, các lĩnh vực, như: thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch, vận động viện trợ và hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ các nguồn lực bên ngoài phục vụ giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đã bước đầu đạt được hiệu quả. Cụ thể, trong năm 2017, tỉnh đã ký kết 3 biên bản ghi nhớ với chính quyền tỉnh Moravskoslezsko, tỉnh Zlin và Trường Đại học Tomas Bata thuộc Cộng hòa Séc nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, môi trường, du lịch, thể thao, văn hóa. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai thành lập Làng trẻ em SOS Pleiku do Làng trẻ em SOS Việt Nam và Làng trẻ em SOS quốc tế tài trợ; ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand về tài trợ dự án “Phát triển giáo dục mầm non tỉnh Gia Lai”. Ngoài ra, Gia Lai hiện có 21 tổ chức phi chính phủ nước ngoài có giấy phép hoạt động trên địa bàn. Tỉnh cũng đã cho phép Hiệp hội 4C (The Common for the Coffee Community Association) của Thụy Sỹ thực hiện dự án hỗ trợ phát triển ngành sản xuất và chế biến cà phê bền vững.

Ngoài ra, Gia Lai còn tham gia mạng lưới thương mại quốc tế Úc-Việt Nam-Lào-Campuchia do Trường Đại học Canberra (Úc) tổ chức. Song song đó, tỉnh đã tổ chức các đoàn lãnh đạo và doanh nghiệp địa phương tham dự các hội nghị xúc tiến thương mại, hội thảo, như: Ngày Cộng hòa Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, tọa đàm gặp gỡ Canada tại Hà Nội, tọa đàm gặp gỡ Đức tại TP. Hồ Chí Minh, tọa đàm gặp gỡ Hàn Quốc tại Đak Lak, hội nghị Ấn Độ-CLMV (hội nghị doanh nghiệp Ấn Độ và 4 nước khu vực Đông Nam Á là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam-P.V) lần thứ 4 tại Ấn Độ, hội nghị gặp gỡ Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh, hội nghị chất thải toàn cầu tại Thái Lan nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh của tỉnh, kêu gọi xúc tiến đầu tư, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Đồng thời, tỉnh đã tạo môi trường thuận lợi cho Công ty Hero Future Energies (Ấn Độ) đến khảo sát, đánh giá dự án, nghiên cứu thu thập thông tin để tìm địa điểm đầu tư dự án 2 nhà máy điện mặt trời công suất 300 MW/nhà máy với tổng kinh phí 720 triệu USD; cho phép Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh tổ chức chương trình giao lưu xúc tiến đầu tư với Nhật Bản và Malaysia...

 

Ông Nguyễn Tùng Khánh-Giám đốc Sở Ngoại vụ: Thông qua hoạt động đối ngoại, đến nay, các doanh nghiệp của tỉnh đã có 11 dự án đầu tư sang Campuchia với tổng số vốn 673 triệu USD và 11 dự án đầu tư tại Lào với tổng số vốn 559 triệu USD (chủ yếu thuộc lĩnh vực trồng, chế biến cao su, khai thác mỏ sắt, xây dựng nhà máy thủy điện). Để nâng cao năng lực hoạt động đối ngoại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Sở Ngoại vụ đang phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại vụ.

Những hoạt động tăng cường hợp tác đối ngoại thời gian qua của tỉnh đã góp phần thúc đẩy xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của địa phương, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, đa dạng hóa thị trường đối tác; tìm kiếm và thúc đẩy chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm từ cây công nghiệp dài ngày mà địa phương có thế mạnh.

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm