Chính trị

Tin tức

Gia Lai: Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Hiện nay, Gia Lai đang triển khai tuyên truyền để chuẩn bị đưa Luật vào thực hiện. P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông HỒ HẢI TẦN-Phó Giám đốc Sở Nội vụ, kiêm Trưởng ban Tôn giáo tỉnh về một số nội dung liên quan.
 

Ảnh: T.N
Ảnh: T.N

- P.V: Xin ông cho biết sự cần thiết của việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo?

Ông HỒ HẢI TẦN: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, cũng kịp thời khắc phục những mặt bất cập của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo trước đây.

- P.V: Ông có thể giới thiệu về những điểm mới đáng quan tâm của Luật?

Ông HỒ HẢI TẦN: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo, học tập và thực hành giáo lý và giáo luật tôn giáo, quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Đối với người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo hoặc học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

 

Ảnh: T.N
Ảnh: T.N

Quy định này thể hiện tính nhân văn trong chính sách của Nhà nước Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho những người bị hạn chế quyền công dân. Luật đã dành 1 chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thể hiện chính sách của Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Việc đăng ký hoạt động tín ngưỡng, thông báo danh mục hoạt động tôn giáo được thay đổi theo hướng chỉ đăng ký, thông báo lần đầu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, những nội dung không có trong văn bản đăng ký hoặc thông báo, sẽ đăng ký và thông báo bổ sung. Đây là quy định mới, tiến bộ, phù hợp với xu hướng cải cách hành chính hiện nay ở Việt Nam. Một số nội dung hoạt động chỉ cần thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để các cơ quan này biết, thực hiện trách nhiệm phối hợp để các hoạt động tôn giáo được diễn ra thuận lợi. Đây là quy định phù hợp với xu hướng tôn trọng công việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo, đồng thời cũng vừa nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đã khắc phục những bất cập của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Do đó, khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực sẽ tạo rất nhiều thuận lợi cho hoạt động của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đông đảo tín đồ của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh; đồng thời công tác quản lý nhà nước về tôn giáo sẽ thuận lợi hơn, tiếp tục kịp thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của các tổ chức và cá nhân theo đúng quy định của pháp luật. 

 

- P.V: Để góp phần đưa Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vào cuộc sống, Ban Tôn giáo tỉnh sẽ tập trung những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?

Ông HỒ HẢI TẦN: Ban sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức quán triệt và triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo và các văn bản liên quan. Đồng thời, Ban sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đến chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn toàn tỉnh.

Đồng thời, khi Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành, Ban Tôn giáo tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, các ngành chức năng có liên quan ở tỉnh triển khai công tác tuyên truyền phổ biến Luật và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cho đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo, cùng các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết kịp thời các nhu cầu và sinh hoạt tôn giáo chính đáng của các tổ chức, cá nhân tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật. Tuyên truyền, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách đối với tôn giáo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Đồng thời, nâng cao cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, tăng cường củng cố tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên trách làm công tác tôn giáo các cấp, chú trọng công tác đào tạo cơ bản, bồi dưỡng tập huấn, nhằm từng bước nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách công tác tôn giáo các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- P.V: Xin cảm ơn ông.

Thanh Nhật (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm