Gia Lai đẩy mạnh tuyên truyền về bầu cử trên khu vực biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương dọc tuyến biên giới của tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và phát huy quyền, nghĩa vụ của mình trong quá trình tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.  

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Ông Lê Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Púch (huyện Chư Prông) thông tin: “Đồng bào Jrai chiếm phần lớn dân số của xã. Vì vậy, chúng tôi triển khai tuyên truyền bầu cử bằng 2 thứ tiếng: Việt và Jrai qua hệ thống loa truyền thanh xã với thời lượng 8-10 phút mỗi ngày. Đối với một số địa bàn dân cư thưa, chúng tôi phối hợp với các tổ, đội sản xuất của Binh đoàn 15 triển khai tuyên truyền lưu động đến từng hộ dân, đảm bảo tất cả người dân đều nắm vững, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp”.

Công tác tuyên truyền về bầu cử được xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) lồng ghép trong các cuộc họp. Ảnh: Phương Dung
Công tác tuyên truyền về bầu cử được xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) lồng ghép trong các cuộc họp. Ảnh: Phương Dung

Cùng đề cập vấn đề này, ông Hồ Đình Kỳ-Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) cho hay: Công tác tuyên truyền được xã triển khai dưới nhiều hình thức, qua đó nêu bật vai trò, vị trí của Quốc hội, HĐND các cấp; nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu, quyền bầu cử và ứng cử của công dân; số lượng, cơ cấu đại biểu; quyền lợi và trách nhiệm của cử tri; công tác chuẩn bị, quá trình thực hiện các bước trong quy trình bầu cử…

Theo ông Hồ Đình Kỳ, để công tác tuyên truyền bầu cử được thường xuyên, liên tục, xã đã thành lập Tiểu ban tuyên truyền. Hàng tuần, các thành viên Tiểu ban có nhiệm vụ biên tập thông tin liên quan đến công tác bầu cử để phát trên hệ thống loa truyền thanh xã, giúp người dân nắm rõ tiêu chuẩn của người ứng cử cũng như thời gian diễn ra các bước trong quy trình bầu cử.

Quang cảnh Hội nghị hướng dẫn việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú. Ảnh: Phương Linh
Quang cảnh Hội nghị hướng dẫn việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú. Ảnh: Phương Linh

“Tại hội nghị hiệp thương lần thứ 2, xã đã thống nhất lập danh sách sơ bộ giới thiệu 42 người ứng cử đại biểu HĐND xã để bầu 25 đại biểu. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đang chuẩn bị các bước để lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu HĐND. Qua nắm tình hình trên địa bàn, người dân rất đồng tình với danh sách sơ bộ những người được các thôn, làng, đơn vị giới thiệu ra ứng cử”-ông Kỳ nhấn mạnh.

Hiện tại, xã Ia Dom đang triển khai cho các tổ bầu cử và các thành viên Ủy ban bầu cử xuống từng thôn, làng để lập danh sách cử tri và việc niêm yết danh sách cử tri sẽ hoàn thành xong trước ngày 14-4-2021 theo quy định.

Phát huy vai trò người uy tín

Bằng uy tín và trách nhiệm của mình, những già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng ở các xã biên giới cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng sự kiện trọng đại này. Già làng Rơ Châm Chích (làng Beng, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) cho hay: “Làng mình giới thiệu 2 người ứng cử đại biểu HĐND xã. Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, mình luôn nói với bà con phải chọn những người uy tín, nhiệt tình, trách nhiệm để sau này họ đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình”.

Mặt khác, già làng Rơ Châm Chích cũng thường xuyên nhắc nhở người dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, không để bị lôi kéo, kích động hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tương tự, với vai trò người có uy tín, đồng thời là Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, ông Ksor Bơng (làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai) cũng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để chuyển tải các thông điệp liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

“Mình thông tin, tuyên truyền để người dân biết được các bước trong quy trình bầu cử, tiêu chuẩn của các đại biểu, quyền và nghĩa vụ của cử tri, thể thức bầu cử, thời gian bầu cử. Mình cũng vận động cử tri vào ngày diễn ra bầu cử (23-5) phải gác lại việc gia đình, nương rẫy để đi bỏ phiếu đầy đủ. Bà con không nên nhờ người bỏ phiếu thay trừ trường hợp đau ốm không thể đi được, vì đây là quyền lợi và cũng là trách nhiệm của mỗi công dân”-ông Bơng nói.

Trên cơ sở kế hoạch tuyên truyền chung của cấp trên, các đồn Biên phòng cũng xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với thực tế từng địa phương. Đại úy Đinh Ơring-Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Mơr (huyện Chư Prông) thông tin: Công tác tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được triển khai tại đơn vị từ tháng 1-2021. Đơn vị cũng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền về công tác bầu cử theo từng đợt.

Cụ thể, trong khoảng thời gian này, Đội Vận động quần chúng phối hợp với địa phương tuyên truyền đến từng người dân một số nội dung liên quan đến kế hoạch, hướng dẫn về bầu cử; quyền lợi, trách nhiệm của cử tri; những thành tựu nổi bật của Quốc hội và HĐND các cấp qua các thời kỳ, đặc biệt là những đổi mới trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước những năm gần đây.

PHƯƠNG DUNG