Theo nhận định của ngành Tài nguyên và Môi trường, việc triển khai thực hiện Quyết định số 10/2011/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai về quy định cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa các cơ quan trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở (QSHNƠ) và tài sản khác gắn liền với đất và quản lý hồ sơ trên địa bàn tỉnh sẽ tạo môi trường làm việc khách quan một khi hành lang thủ tục hành chính được rõ ràng minh bạch, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này…
Ảnh: Đức Thụy |
Với tỷ lệ hơn 71,8%/tổng diện tích đất được cấp GCN, ngành Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác này, nhất là việc rút ngắn thời gian thụ lý, giải quyết hồ sơ theo quy định; hạn chế lượng hồ sơ tồn đọng, quá hạn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vướng mắc khi cấp mới GCN bởi tình hình đất đai liên tục biến động, tình trạng đất nông nghiệp không được kê khai đầy đủ do nạn xâm canh tại các khu vực vùng ven đô thị; người dân gặp khó khăn về nghĩa vụ tài chính khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Trong bối cảnh hiện nay, khi việc xây dựng, cập nhật và chỉnh lý biến động đất đai, cơ sở dữ liệu địa chính của các ngành Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT… vẫn chưa thực sự hoàn thiện đã làm phát sinh nhiều vướng mắc, tranh chấp thậm chí chồng chéo lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Đơn cử như trường hợp đồ án quy hoạch suối Hội Phú và dự án khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh- TP. Pleiku. Do dữ liệu quy hoạch và bản đồ giải thửa không được cập nhật kịp thời, thường xuyên nên đã xảy ra tình trạng một phần diện tích của 2 dự án này bị trùng lấn lên nhau. Hoặc trường hợp nhiều hộ gia đình, cá nhân do không nắm đầy đủ, chính xác thông tin nên gặp khó khăn trở ngại trong quá trình mua bán, chuyển nhượng, tách thửa diện tích đất nằm trong khu quy hoạch đã phê duyệt…
Để đẩy nhanh tiến độ cấp GCN theo yêu cầu đặt ra, vừa qua Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ra Quyết định số 10/2011/QĐ-UBND ngày 18-5-2011, ban hành quy định cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa các cơ quan trong việc cấp GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất và quản lý hồ sơ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan, ban ngành: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Ban Quản lý Khu Kinh tế, Cục Thuế, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Văn phòng Đăng ký QSDĐ tỉnh, Văn phòng Đăng ký QSDĐ huyện… có trách nhiệm tổ chức phối hợp thực hiện việc cấp GCNQSDĐ theo đúng nội dung và thời gian đã quy định.
Bên cạnh đó, định kỳ hàng tháng, hàng quý phối hợp trao đổi thông tin liên quan đến lĩnh vực mình quản lý. Là đơn vị tiên phong thực hiện cơ chế phối hợp theo Quyết định số 10/2011/QĐ-UBND, ông Hồ Xuân Thụy- Giám đốc Văn phòng Đăng ký QSDĐ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận: Việc thực hiện cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa các cơ quan sẽ tạo môi trường làm việc thuận lợi, tránh tình trạng mỗi anh mỗi phách, đồng thời rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký cho tổ chức và công dân. Việc quy định cụ thể thời gian, trách nhiệm của từng cơ quan sẽ góp phần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công tác cấp GCNQSDĐ và QSHNƠ trong thời gian tới.
Sơn Ca