Chính trị

Tin tức

Gia Lai: Đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là một trong những chỉ đạo quan trọng của đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị sơ kết công tác phòng-chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra sáng 27-6.

Gia tăng xử lý án tham nhũng

Với quan điểm vừa tích cực, chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh, xử lý hành vi tham nhũng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng thông qua nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Theo báo cáo của Ban Nội chính Tỉnh ủy, thời gian qua, toàn tỉnh đã triển khai 90 cuộc thanh tra hành chính tại 108 đơn vị, hiện đã kết thúc 59 cuộc thanh tra tại 74 đơn vị. Qua đó, phát hiện 46 đơn vị sai phạm với số tiền trên 16,1 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách trên 8,5 tỷ đồng, hoàn trả ngân sách tỉnh trên 745 triệu đồng, đồng thời chuyển 3 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Điều tra để xử lý theo thẩm quyền.

 

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: H.D
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: H.D

Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng cũng được triển khai khá quyết liệt. Cơ quan Điều tra đã thụ lý 12 vụ việc, khởi tố 6 vụ/9 bị can. Sau khi kết thúc điều tra đã đề nghị truy tố 4 vụ/6 bị can, hiện còn 2 vụ/3 bị can đang trong giai đoạn điều tra. “Công tác đấu tranh chống tham nhũng yêu cầu phải xử lý nghiêm người có hành vi tham nhũng, đồng thời, tích cực khắc phục hậu quả, thu hồi tiền, tài sản tham nhũng. Đây là đòi hỏi của pháp luật, của xã hội và là thước đo hiệu quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng. Vì vậy, việc thu hồi tiền, tài sản tham nhũng được các cơ quan chức năng chú trọng thực hiện song song với việc điều tra, truy tố, xét xử”-đồng chí Nguyễn Văn Thắng-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy, cho biết.

Nhận xét về các vụ vi phạm xảy ra, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nói: Thực trạng tham nhũng trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp chứng tỏ các cơ quan thực hiện chỉ đạo phòng-chống tham nhũng không hiệu quả. Tham nhũng vặt còn diễn ra ở các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp. Có một số vụ sai phạm tài chính, tham nhũng lại diễn ra trong ngành Giáo dục. Là thầy giáo, cô giáo mà tham nhũng thì dạy dỗ học trò kiểu gì, mô phạm kiểu gì?.  

Phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

Thời gian qua, công tác phòng-chống tham nhũng tiếp tục được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt được kết quả tích cực trên các mặt. Tuy nhiên, như nhận định của đồng chí Nguyễn Văn Thắng-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy: “Trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng-chống tham nhũng vẫn có nơi chưa cao. Từ năm 2016 đến nay vẫn còn 2 địa phương chưa ban hành kế hoạch hành động về phòng-chống tham nhũng là Kông Chro và Chư Prông. Một số địa phương khác thì chậm báo cáo. Đối với một số trường hợp vi phạm thì xử lý chưa triệt để, xử lý nhẹ, xử lý nội bộ. Có vụ việc qua kết luận thanh tra có dấu hiệu tội phạm nhưng địa phương xử lý nương nhẹ, xử lý hành chính, không chuyển hồ sơ cho Cơ quan Điều tra”.

Còn theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, trong thực tế có một số việc chưa thực hiện tốt các quy định. “Ví dụ như quy định văn phòng đăng ký đất đai của cấp nào thì cấp đó xử lý nhưng sau khi cải cách thủ tục hành chính, các văn phòng đăng ký đất đai đều thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, Sở lại không kiểm soát được các hoạt động của các văn phòng của huyện. Sở rất chậm trong xử lý các vấn đề này. Rồi nhận thức chưa đầy đủ về mặt luật pháp của các cán bộ cấp huyện. Ví dụ cán bộ đất đai thì chỉ biết đất đai mà không biết tới vấn đề quy hoạch nên dẫn đến vi phạm, tất nhiên có trường hợp là cố tình. Chúng ta cần phải nhìn nhận để điều chỉnh cho phù hợp. Việc xử lý các sai phạm chưa nghiêm, thiếu công bằng khiến người ta sẽ hiểu sai là thiếu minh bạch”.

Sau khi nghe một số giải trình từ đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan về một số vụ việc cụ thể, những vướng mắc và hạn chế trong quá trình triển khai công tác phòng-chống tham nhũng, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã chỉ ra một số hạn chế trong công tác này. Đó là một số cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa nêu cao vai trò trách nhiệm, tính tiền phong trong phòng-chống tham nhũng, nói chưa đi đôi với làm; yếu trong kiểm tra, đôn đốc, xử lý các vi phạm của cấp dưới; khi phát hiện sai phạm còn để xử lý nội bộ, xử lý nhẹ và xử lý hành chính thay xử lý hình sự. Một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế tiến độ xử lý chậm. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức và công dân trong giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn xảy ra; tham nhũng vặt vẫn chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang chỉ đạo: “Về nhiệm vụ trọng tâm các tháng còn lại của năm 2018, các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng-chống tham nhũng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thanh tra về phòng-chống tham nhũng. Triệt để áp dụng các biện pháp để thu hồi tối đa tiền, tài sản tham nhũng. Rà soát, chỉ đạo khắc phục ngay các khâu yếu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo như công tác tự kiểm tra trong nội bộ để phòng ngừa tham nhũng.

Các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án tham nhũng, kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đã phát hiện. Đặc biệt, đối với những cán bộ thuộc các cơ quan tố tụng có năng lực yếu kém hoặc có hành vi sai phạm thì phải xử lý nghiêm để tránh án oan sai. Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng rà soát, tổng hợp đánh giá tình hình để nghiên cứu tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, chấn chỉnh hoạt động tín dụng, xử lý nợ xấu nhằm ổn định trật tự xã hội và phòng ngừa tham nhũng”.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm