Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai đề nghị thanh lý gần 200 phòng học hư hỏng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh có 315 phòng học tại các điểm trường không sử dụng. Cụ thể có 183 phòng học hư hỏng đề nghị thanh lý, 123 phòng học đã chuyển đổi công năng và mục đích sử dụng hoặc bàn giao cho các xã.
 

 Trường tiểu học Lê Quý Đôn, Phân hiệu Linh Nham bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Ảnh: Triệu Thanh
Trường tiểu học Lê Quý Đôn, Phân hiệu Linh Nham bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Ảnh: Triệu Thanh

Sáng 27-11 HĐND tỉnh đã có báo cáo kết quả khảo sát công tác quản lý sử dụng phòng học ở các điểm trường tại các thôn làng trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo này, những năm qua, vấn đề  phòng học ở các điểm trường đã giải quyết được tình trạng xóa làng trắng về giáo dục, giúp học sinh tại chỗ đến trường thuận lợi, huy động học sinh ra lớp đảm bảo suy trì sĩ số học sinh. Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Góp phần để tỉnh nhà xóa mù, phổ cập mầm non 5 tuổi, tiểu học và trung học cơ sở.

Tuy nhiên, sau nhiều năm đi vào sử dụng, các điểm trường, phòng học đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 315 phòng học tại các điểm trường không sử dụng. Cụ thể có 183 phòng học hư hỏng đề nghị thanh lý, 123 phòng học đã chuyển đổi công năng và mục đích sử dụng hoặc bàn giao cho các xã. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có nhiều phòng học chất lượng còn tốt ở các điểm trường tại các thôn, làng nhưng không có học sinh đến học. Nhiều phòng học dột nát, hư hỏng nặng có nguy cơ gây tai nạn nhưng vẫn chưa được thanh lý. Nhiều điểm trường không có khu vệ sinh, nước sinh hoạt và hàng rào bảo vệ…

Cũng theo báo cáo này nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nhiều phòng học bị hư hại, bỏ không là do phụ huynh, học sinh có xu hướng tập trung về các khu vực trường chính để được tiếp cận với môi trường giáo dục tốt hơn ngày càng tăng, từ đó số lượng học sinh tại các điểm trường ngày càng ít đi. Không đủ sĩ số để tổ chức các lớp học tại buôn làng dẫn đến dư phòng, không sử dụng. Việc phát triển mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú nên học sinh về các điểm trường chính dẫn đến các tình trạng các điểm trường không có học sinh, phòng học bị bỏ hoang.

Bên cạnh đó, công tác khảo sát, đánh giá xu hướng phát triển giáo dục tại nhiều điểm trường không chính xác. Đầu tư xây dựng nhiều phòng học vượt quá nhu cầu sử dụng của học sinh tại thôn, làng từ đó dẫn đến tình trạng nhiều trường mới bàn giao vài năm phải bỏ hoang mặc dù cơ sở vật chất vẫn còn khá tốt. Một số Phòng Giáo dục-Đào tạo không bàn giao phòng học tại các điểm trường cho xã quản lý, sử dụng vì muốn giữ đất để sử dụng vào việc khác khi có nhu cầu. Các xã phường sau khi nhận bàn giao phòng học tại các điểm trường không có kinh phí sửa chữa xây dựng nên một số phòng học hư hỏng, xuống cấp. Các thủ tục thanh lý phòng học tại các điểm trường còn rườm rà, nhiều thủ tục nên phòng Giáo dục-Đào tạo các huyện không muốn thanh lý.

Qua đó, HĐND cũng đề nghị UBND cùng các đơn vị liên quan rà soát cơ sở vật chất của toàn bộ hệ thống trường học và các điểm trường trên địa bàn. Từ đó phân loại và xây dựng phương án xử lý có hiệu quả như sửa chữa, nâng cấp các điểm trường vẫn có nhu cầu học tập của học sinh. Đồng thời thanh lý các phòng học hư hỏng không có nhu cầu và hết thời gian sử dụng, chuyển đổi công năng sử dụng đối với các phòng học không có nhu cầu dạy, học nhưng cơ sở vật chất còn tốt. Quan tâm đầu tư xây dựng tại các điểm trường chính, phát triển trường phổ thông dân tộc bán trú vùng dân tộc thiểu số, chú trọng đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Triệu Thanh

Có thể bạn quan tâm