Sức khỏe

Gia Lai dịch đau mắt đỏ diễn biến phức tạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thông thường, dịch đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) diễn ra từ tháng 9 đến tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên, những ngày qua, các bệnh viện chuyên khoa mắt ở Gia Lai đã ghi nhận nhiều ca mắc bệnh với diễn biến phức tạp.

Bệnh đau mắt đỏ xuất hiện sớm

Mỗi ngày, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai và Trung tâm Y tế TP. Pleiku tiếp nhận trên 10 trường hợp bị đau mắt đỏ đến khám, điều trị. Tháng 5 và tháng 6-2024, Bệnh viện Mắt Cao Nguyên đã tiếp nhận 1.829 trường hợp bị đau mắt đỏ đến khám-chữa bệnh, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 ca.

Bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Pleiku thăm khám cho người bệnh đau mắt đỏ. Ảnh: N.N

Bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Pleiku thăm khám cho người bệnh đau mắt đỏ. Ảnh: N.N

Đến thăm khám tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku, anh Mai Anh Tài (tổ 5, thị trấn Chư Sê) cho biết: “3 ngày qua, mắt tôi bị cộm như có sạn, đỏ mắt, nhìn mờ và nhạy cảm với ánh sáng. Tại nơi tôi ở cũng có người bị tương tự, nghe nói đang có dịch đau mắt đỏ”.

Tương tự, em Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh (tổ 3, phường Hội Phú, TP. Pleiku) chia sẻ: “Bác sĩ chẩn đoán em bị viêm kết mạc cấp và cho thuốc nhỏ, thuốc uống. Bác sĩ cũng nhắc nhở em hạn chế xem điện thoại vì chủng bệnh lần này nhạy cảm với ánh sáng xanh”.

Theo bác sĩ Phạm Thanh Dũng-Trưởng khoa Liên chuyên khoa mắt-răng hàm mặt-tai mũi họng (Trung tâm Y tế TP. Pleiku): Hầu hết các ca viêm kết mạc do vi rút adenovirus gây ra và dễ lây lan hơn các dạng viêm kết mạc khác. Adenovirus có khả năng tồn tại trong môi trường rất lâu. Bệnh thường xảy ra đối với những đối tượng có sức đề kháng kém như trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính.

“Đợt bệnh đau mắt đỏ lần này so với cùng kỳ năm trước thì thời gian điều trị lâu hơn và dễ biến chứng viêm, loét giác mạc, sẹo giác mạc… ảnh hưởng đến thị lực. Do đó, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, tránh tự ý dùng thuốc, nhỏ thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Nếu điều trị từ 7 đến 10 ngày mà các triệu chứng không đỡ, trong mắt cảm giác có dị vật, nhạy cảm ánh sáng… thì người bệnh đã bị biến chứng, cần nhanh chóng đi khám và điều trị kịp thời”-bác sĩ Dũng nhấn mạnh.

Tăng cường công tác phòng-chống

Năm nay, bệnh đau mắt đỏ xuất hiện sớm hơn, diễn biến lâu lành và dễ biến chứng. Bác sĩ chuyên khoa mắt Vũ Phương Việt Hằng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) khuyến cáo: Adenovirus rất dễ lây lan ở những nơi có tiếp xúc gần như trường học, bệnh viện, công ty...

Thông thường, adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp khi nói chuyện trực tiếp với người bệnh hoặc khi người bệnh ho và hắt hơi. Việc sử dụng chung nguồn nước bị ô nhiễm khi bơi lội cũng làm tăng nguy cơ nhiễm vi rút. Adenovirus có thể tồn tại trên bề mặt trong một thời gian dài nên việc dùng chung đồ dùng cá nhân với người nhiễm vi rút cũng khiến nguy cơ nhiễm bệnh tăng lên.

Những ngày qua, Bệnh viện mắt quốc tế Sài Gòn- Gia Lai tiếp nhận trên 10 ca đau mắt đỏ đến khám điều trị. Ảnh: Như Nguyện

Những ngày qua, Bệnh viện mắt quốc tế Sài Gòn- Gia Lai tiếp nhận trên 10 ca đau mắt đỏ đến khám điều trị. Ảnh: Như Nguyện

“Các triệu chứng thường bắt đầu từ 2 ngày đến 2 tuần sau khi tiếp xúc với adenovirus. Đau mắt đỏ do adenovirus có các triệu chứng tương tự như các loại viêm kết mạc do vi rút khác như: lòng trắng của mắt hoặc mí trong bị đỏ; tăng tiết nước mắt; tiết dịch dày màu vàng đóng vảy trên lông mi, đặc biệt là sau khi ngủ; tiết dịch màu xanh lá cây hoặc trắng từ mắt. Người bệnh cảm giác sạn ở một hoặc cả hai mắt, ngứa mắt, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng… Ngoài ra, người nhiễm adenovirus cũng có thể có các triệu chứng toàn thân khác như sốt cao, ho khan, đau họng, chảy nước mũi”-bác sĩ Hằng cho biết.

Theo bác sĩ Hằng, để phòng bệnh đau mắt đỏ, mọi người cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng ít nhất trong 20 giây. Tránh chạm vào miệng, mũi hoặc mắt nếu chưa rửa tay. Hạn chế tiếp xúc nếu trong gia đình, người thân hoặc bạn bè mắc adenovirus. Gia đình và nhà trường cần thường xuyên làm sạch, khử trùng đồ chơi của trẻ nhỏ, làm sạch các bề mặt cứng như mặt bàn, ghế, bồn rửa tay... bằng hỗn hợp thuốc tẩy và nước.

Trường hợp đã bị nhiễm adenovirus thì cần tránh các nơi công cộng; hắt hơi và ho vào khuỷu tay hoặc khăn giấy, hạn chế ho hoặc hắt hơi vào bàn tay. Tuyệt đối không dùng chung đồ dùng, ly, khăn, gối với người khác; giữ khoảng cách, tránh ôm và hôn… nhằm tránh lây bệnh cho người khác.

Có thể bạn quan tâm