Kinh tế

Gia Lai: Dịch rầy nâu có khả năng lây lan rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại các địa phương vùng Đông Nam tỉnh, rầy nâu đã xuất hiện cục bộ cả trên diện tích lúa trà sớm và đại trà. Có nơi mật độ nhiễm rầy rất cao trên 4.000 con/m2. Nếu không xử lý và phòng trừ kịp thời mật độ rầy sẽ tăng cao, lây lan trên diện rộng.
Hiện lúa vụ Đông Xuân đang thời gian làm đòng, nhưng tình hình dịch bệnh xuất hiện và có chiều hướng gia tăng. Trên diện tích lúa gieo sạ sớm, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn đã xuất hiện, mức độ gây hại chưa đáng kể. Nhưng theo dự báo, thời gian đến bệnh đạo ôn có chiều hướng gia tăng trên những chân ruộng khu vực vùng trũng, có mật độ gieo sạ dày, bón thừa phân đạm. Rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện vào cuối tháng 3 đầu tháng 4-2011 theo chu kỳ sinh trưởng sẽ gây hại mạnh trên diện tích lúa gieo sạ sớm rồi lây lan sang lúa đại trà ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ Đông Xuân. Rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện không những trực tiếp làm giảm năng suất, chất lượng lúa mà còn là đối tượng lây truyền vi rút bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc rất nguy hiểm và khó phòng trừ.
Phun thuốc diệt rầy nâu. Ảnh: Anh Khoa
Phun thuốc diệt rầy nâu. Ảnh: Anh Khoa
Tại huyện Ia Pa, rầy nâu xuất hiện rải rác trên toàn bộ diện tích lúa. Cá biệt ruộng của gia đình mí Suy, ở xã Ia Ma Rơn mật độ nhiễm rầy rất cao, trên 4.000 con/m2. Đây là khu vực vùng trũng, rầy nâu dễ xuất hiện nhưng nông dân không nghe theo khuyến cáo của ngành chuyên môn đã gieo sạ sớm, mật độ dày và sử dụng giống TH6 bị nhiễm rầy để sản xuất. Còn tại thị xã Ayun Pa rầy nâu xuất hiện cục bộ trên một số diện tích lúa trà sớm và đại trà gần các trụ đèn cao áp dọc quốc lộ 25, mật độ từ 60 con đến 600 con/m2.

Hơn 1 tháng qua, thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho sâu bệnh hại cây trồng xuất hiện. Ông Trần Văn Sự, ở thị xã Ayun Pa cho biết: Lúa mới bón phân đợt I nhưng rầy nâu đã xuất hiện. Mặc dù mật độ không cao nhưng nếu phát hiện muộn, phun thuốc phòng trừ không kịp thời khi đến giai đoạn lúa làm đòng và trổ, rầy nâu tàn phá rất nặng có thể mất trắng hoàn toàn. Còn ông Ksor Nin, ở xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa) nhìn những thửa ruộng đang lên từng ngày, niềm vui chưa dứt nỗi buồn lại xuất hiện: “Hiện nay lúa vụ mùa đang trong giai đoạn làm đòng nhưng rầy nâu bắt đầu gây hại mạnh. Dù ngay từ đầu vụ sản xuất tôi đã áp dụng các biện pháp phòng trừ rầy nâu theo đúng kỹ thuật nhưng nó vẫn bùng phát gây hại”.
Nguyên nhân xuất hiện rầy nâu gây hại là do một số nông dân bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng đã xuống giống gieo trồng sớm nhằm tiếp tục sản xuất tăng vụ, gieo sạ không đồng bộ làm cho ngành bảo vệ thực vật không dễ kiểm soát. Ông Trần ĐứcVinh-Trạm trưởng Trạm Bảo vệ Thực vật thị xã Ayun Pa cho biết: Rầy nâu diễn biến ngày càng phức tạp, nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất khi thu hoạch. Trạm Bảo vệ Thực vật cử cán bộ kỹ thuật bám sát diễn biến tình hình rầy nâu, triển khai và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ ngăn chặn không để lây lan trên diện rộng; đôn đốc nông dân thường xuyên thăm đồng ruộng, phát hiện rầy nâu, phun thuốc phòng trừ đồng bộ.
Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm