Kinh tế

Gia Lai: Doanh nghiệp gặp khó khăn vì lãi suất tăng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Quyết định tăng lãi suất cơ bản bằng tiền đồng từ 8% lên 9%/năm theo chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã đẩy lãi suất của các ngân hàng tăng từ ngày 8-11. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong 2 ngày qua gần như các ngân hàng thương mại trên địa bàn Gia Lai đều đã điều chỉnh tăng lãi suất  huy động ở mức 12%/năm.
Lãi suất huy động tăng
Quyết định tăng lãi suất huy động là tín hiệu phát đi cho các ngân hàng trong việc thắt chặt tiền tệ. Hiện biểu lãi suất mới được Chi nhánh Sacombank Gia Lai áp dụng là 11,64%/năm với kỳ hạn 1 tháng, 11,88% với kỳ hạn 3 tháng, và 12% với kỳ hạn 1 năm.
Giao dịch tại Sacombank Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Giác
Giao dịch tại Sacombank Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Giác
Tại các chi nhánh: Ngân hàng Đông Á, An Bình cũng áp dụng tăng lãi suất huy động từ 11% lên 12% trong ngày 8-11. Riêng Ngân hàng An Bình áp dụng lãi suất ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng đến 60 tháng là 12%/năm, không phân kỳ hạn như một số ngân hàng khác. Nhiều chương trình tặng quà ngay cho khách hàng cũng được ngân hàng áp dụng. Ngoài ra, khi khách hàng tham gia gửi tiết kiệm 2 tháng trở lên và không rút trước hạn sẽ được tham gia dự thưởng và cơ hội có một chuyến du lịch…
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa thông báo tăng lãi suất huy động bằng tiền đồng bắt đầu từ sáng 9-11. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng là 11,82%, kỳ hạn từ 3 tháng đến 36 tháng là 12%. Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển cũng đang áp dụng 12%/năm đối với tất cả các kỳ hạn kể từ ngày 9-11.
Việc để các ngân hàng thương mại huy động và cho vay theo thị trường giúp các ngân hàng giảm căng thẳng huy động vào thời điểm cuối năm, nhất là  trong bối cảnh tâm lý người dân đầu tư mua vàng và USD khi giá biến động.
Doanh nghiệp gặp khó
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng nên chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng sẽ tăng theo và dĩ nhiên không tránh khỏi việc tăng lãi suất cho vay. Hiện nay, các ngân hàng đều cho vay theo lãi suất dao động mức từ 14% đến 17%/năm.
Trong khi các ngân hàng kỳ vọng áp dụng lãi suất mới thì nhiều doanh nghiệp lại lo lắng bởi chi phí vốn bị đẩy lên cao, giá thành sản xuất kinh doanh tăng. Ông Phạm Văn Trọng- Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 4 cho biết: Vốn sản xuất kinh doanh của đơn vị chủ yếu là vốn vay ngân hàng, do đó mức lãi suất như thời gian gần đây là 14,5%/năm thì với vốn vay hơn 100 tỷ đồng của đơn vị lãi đã trả rất cao rồi. Lãi suất vay vốn tăng 41,42% so với lãi suất khi thẩm định dự án thủy điện Ia Grai 3 trên địa bàn, làm hiệu quả hoạt động của Công ty giảm đi rất nhiều. Giờ lãi tiếp tục tăng nữa thì sức ép tài chính lên doanh nghiệp quá lớn.
Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cơ bản của đồng Việt Nam tăng từ 8% một năm lên 9%. Lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng là 9% một năm (tăng 1%). Lãi suất tái chiết khấu mới là 7% một năm (tăng 1%)...
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp phụ thuộc vào ngân hàng rất lớn, khoảng 30% là vốn tự có, còn lại 70% là đi vay. Tăng lãi suất cho vay là điều không phải mới, nhưng lãi suất cao mà vay cũng chẳng dễ dàng gì. Ở thời điểm lạm phát cao năm 2008, lãi suất có lúc lên đến trên 20%/năm, cộng với chi phí sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp buộc phải co hẹp lại sản xuất.
Thời điểm này, một trong những giải pháp ổn định tỷ giá ngoại tệ, kiềm chế lạm phát là tăng lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, với các doanh nghiệp thì đây là một nhân tố tác động đẩy mạnh chi phí đầu vào, do đó giá thành cao nên doanh nghiệp tăng giá bán ra thị trường. Yếu tố này góp phần đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng và nếu điều hành không tốt có thể sẽ dẫn tới lạm phát.
Thảo Nguyên

 

Có thể bạn quan tâm