Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Gia Lai đổi mới, sáng tạo trong xây dựng tổ chức Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, thời gian qua, nhiều tổ chức Đảng ở Gia Lai đã nỗ lực đổi mới, sáng tạo với các mô hình hay, cách làm hiệu quả.
Tại buổi sinh hoạt chuyên đề ghép, Đảng ủy Báo Gia Lai, Chi bộ 3 Báo Gia Lai và Đoàn Thanh niên Công an huyện Đak Đoa tặng 20 suất quà cho các gia đình chính sách, học sinh nghèo vượt khó học giỏi của xã A Dơk. Ảnh: Đức Thụy

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề ghép, Đảng ủy Báo Gia Lai, Chi bộ 3 Báo Gia Lai và Đoàn Thanh niên Công an huyện Đak Đoa tặng 20 suất quà cho các gia đình chính sách, học sinh nghèo vượt khó học giỏi của xã A Dơk. Ảnh: Đức Thụy

Tại hội nghị sơ kết công tác tổ chức xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 do Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Hứa Thị Phương đã giới thiệu với các đại biểu về cách làm mới của Đảng bộ Báo Gia Lai trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Đảng ủy Báo Gia Lai đã chỉ đạo các chi bộ trực thuộc tổ chức sinh hoạt chuyên đề ghép nhằm góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề trong tình hình mới. Theo đó, Chi bộ 2 thuộc Đảng bộ Báo Gia Lai phối hợp cùng Chi bộ Phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku tổ chức sinh hoạt ghép với chủ đề “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền”; Chi bộ 3 phối hợp với Đảng ủy Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Tuyên truyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” và phối hợp với Chi bộ làng Djrông (xã A Dơk, huyện Đak Đoa) sinh hoạt chuyên đề “Công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên”.

Trao đổi về việc phối hợp và lựa chọn chủ đề sinh hoạt chuyên đề ghép, ông Đoàn Minh Dưỡng-Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Bí thư Chi bộ 3-cho hay: Chi ủy và Đảng ủy Đồn Biên phòng Ia Púch đã thống nhất lựa chọn chủ đề vì có điểm chung là cùng tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Tại buổi sinh hoạt, đảng viên 2 đơn vị cùng trao đổi, thảo luận để có thêm kiến thức, kinh nghiệm cũng như kỹ năng, nghiệp vụ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Riêng công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên là vấn đề mà nhiều khu dân cư đang gặp khó khăn. Do đó, Chi bộ 3 và Chi bộ làng Djrông mong muốn cùng trao đổi, tìm nguyên nhân, đề xuất các giải pháp hữu hiệu. “Cấp ủy Chi bộ căn cứ vào năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ, đảng viên để phân công viết đề dẫn, tham luận. Trước khi tham gia sinh hoạt chuyên đề ghép, Chi bộ rà soát, đóng góp để hoàn chỉnh đề dẫn, bảo đảm chất lượng từng tham luận”-ông Dưỡng thông tin.

Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai Đoàn Minh Dưỡng, Bí thư Chi bộ 3 phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề ghép với Chi bộ làng Djrông, xã A Dơk, huyện Đak Đoa. Ảnh: Đức Thụy

Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai Đoàn Minh Dưỡng, Bí thư Chi bộ 3 phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề ghép với Chi bộ làng Djrông, xã A Dơk, huyện Đak Đoa. Ảnh: Đức Thụy

Tương tự, ông Trần Đức Phú-Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Đak Đoa cũng đề cập mô hình “Sổ tay bí thư chi bộ” do Ban Thường vụ Huyện ủy phát hành đến 111 bí thư chi bộ thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn. Sổ tay có 16 mục, tích hợp và giới thiệu những nội dung quan trọng như: Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội; 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, 5 phương thức lãnh đạo của Đảng; chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của chi bộ thôn, tổ dân phố; nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố và nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; công tác kết nạp đảng viên; thời điểm, thủ tục, hồ sơ công nhận đảng viên chính thức; việc xóa tên đảng viên và giải quyết khiếu nại về xóa tên đảng viên; một số vấn đề cần lưu ý liên quan đến kết nạp Đảng và công nhận đảng viên chính thức; hướng dẫn khai, chứng nhận lý lịch của người xin vào Đảng, chứng nhận lý lịch Đảng và phiếu đảng viên, phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên hàng năm; Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW ngày 29-11-2021 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những điều đảng viên không được làm... “Cuốn sổ tay này được biên soạn và phát hành vào đầu năm 2023. So với cuốn sổ tay trước đây thì có bổ sung thêm nhiều mục mới, giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của bí thư chi bộ sát với tình hình thực tế. Sau đại hội chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở, nhiều đồng chí mới đảm nhận công tác. Do đó, sổ tay như cuốn cẩm nang giúp các bí thư chi bộ nắm bắt vấn đề nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời để lãnh đạo, chỉ đạo”-ông Phú cho biết.

Đảng bộ tỉnh Gia Lai hiện có 21 Đảng bộ trực thuộc; 925 tổ chức cơ sở Đảng; 3.447 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở. Đến ngày 30-6-2023, toàn Đảng bộ có 64.983 đảng viên; 1.506/1.576 chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có chi ủy; 1.468 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên, trong đó có 1.107 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.

Ông Nguyễn Đức Anh-Bí thư Chi bộ làng Tuơh Klah (xã Glar, huyện Đak Đoa) đánh giá: “Sổ tay hướng dẫn cụ thể chức năng, nhiệm vụ, giúp bí thư chi bộ vận dụng thực hiện. Ngoài nội dung đọc, biết, vận dụng, sổ tay còn có phần dành cho ghi chép. Những nội dung tham gia tập huấn, công tác kiểm tra, giám sát cả nhiệm kỳ hay quy trình phát triển đảng viên... tôi đều ghi vào cuốn sổ này”.

“Sổ tay bí thư chi bộ” cũng giúp người đứng đầu chi bộ nắm vững nguyên tắc, quy định để vận dụng thực hiện, góp phần hạn chế tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng, xóa tên đảng viên. Bên cạnh cung cấp sổ, Ban Tổ chức Huyện ủy Đak Đoa cũng thường xuyên trao đổi, hướng dẫn, nắm tình hình đảng viên ở cơ sở. Sau khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, Ban phối hợp với các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, chi bộ thôn xuống gặp gỡ, tìm hiểu nguyên nhân, động viên đảng viên tiếp tục tham gia sinh hoạt Đảng và chấp hành tốt các quy định của Đảng.

Một số tổ chức Đảng cũng có những cách làm hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế như: xây dựng quy chế làm việc mẫu của chi bộ thôn, làng, tổ dân phố; đổi mới việc ban hành nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy cơ sở theo hướng ngắn gọn, súc tích, rõ việc; tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ chủ chốt tham gia học tập nghị quyết, chỉ thị bằng hình thức làm bảng tên, phát phiếu cá nhân theo từng buổi học và chấm điểm bài thu hoạch, coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá, phân loại cán bộ, lãnh đạo, quản lý, đảng viên cuối năm... Những mô hình hay, cách làm hiệu quả này đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng tổ chức Đảng và đảng viên.

Có thể bạn quan tâm