TN - Đất & Người

Gia Lai: Đổi thay ở một xã anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO) Xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, Gia Lai) là vùng căn cứ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những năm trước đây, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những con đường thẳng tắp, những ngôi nhà mới khang trang mọc lên, các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố minh chứng cho sự thay đổi diện mạo của một vùng quê nghèo khó ngày nào.

Người dân xã Ia Rsai thu hoạch lúa. Ảnh: N.S
Người dân xã Ia Rsai thu hoạch lúa. Ảnh: N.S

Chúng tôi đến xã Ia Rsai vào thời điểm mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Không khí thi đua lao động sản xuất thật sôi nổi trên nhũng cánh đồng đang vào vụ thu hoạch lúa, bắp, mì... Mặc dù rất bận vì công việc nhưng ông Hiao Buk-Chủ tịch UBND xã vẫn dành thời gian tiếp chúng tôi, sau một hồi trò chuyện, ông cho biết: “Trước đây, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn do thiếu tư liệu sản xuất; chưa ứng dụng được khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế được triển khai tại địa phương đã giúp người nông dân thay đổi tư duy, tập quán trong sản xuất, nâng cao thu nhập. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc”.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, người dân Ia Rsai đoàn kết chống lại kẻ thù, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, ngày nay, Đảng bộ và nhân dân xã Ia Rsai nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội, làm cho bức tranh nông thôn ngày càng khởi sắc. Từ sự chỉ đạo và tìm ra hướng đi đúng của chính quyền địa phương nên đến nay tổng diện gieo trồng trên địa bàn xã đạt trên 3.100 ha, trong đó có 535 ha cây công nghiệp mà chủ yếu là cây điều. Hơn 2.600 ha cây hàng năm, diện tích một số cây trồng như: lúa 262 ha, mì 1.270 ha, bắp 62 ha, mè 243 ha, còn lại là một số loại cây trồng khác. Chăn nuôi cũng phát triển mạnh, toàn xã có tổng đàn bò 4.633 con, đàn heo 1.069 con, dê có 1.048 con và đàn gia cầm gần 8.000 con. Tỷ lệ hộ nghèo tính đến cuối năm 2017 là 372 hộ nay chỉ còn 301 hộ (chiếm tỷ lệ 30%), thu nhập bình quân trên 22 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh việc phát triển kinh tế thì trên lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế giáo dục cũng có nhiều thay đổi, tỷ lệ học sinh ra lớp đạt gần 100%. Năm 2017 đã có 662 hộ được công nhận gia đình văn hóa, 2 thôn được huyện công nhận thôn văn hóa, trạm y tế xã từng bước được trang bị thêm các phương tiện, thuốc men để đáp ứng việc khám-chữa bệnh cho người dân…

Người dân xã Ia Rsai thu hoạch bắp. Ảnh: N.S
Người dân xã Ia Rsai thu hoạch bắp. Ảnh: N.S

Là người ở huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) vào xã Ia Rsai lập nghiệp được hơn 20 năm, ông Trần Ngọc Thủy ở thôn Tân Lập cảm nhận rất rõ sự thay đổi của vùng đất này. Ông Thủy cho biết: “Trước đây Ia Rsai còn là một xã khó khăn, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân chưa cao. Nhưng đến nay, được sự quan tâm của Nhà nước đã đầu tư xây dựng các công trình dân sinh như điện, đường, trường, trạm, tạo bước đệm quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.

Ngoài sự nỗ lực của xã, thì các chương trình mục tiêu quốc gia như 134, 135... và các dự án khác đã đầu tư nhiều công trình cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ bản trên địa bàn xã như: hệ thống điện, đường, trường trạm đã được xây dựng khá hoàn chỉnh đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, các tuyến đường nội thôn và liên thôn đều đã được mở rộng và bê tông hóa, 12/12 thôn-buôn đã có điện với 99% số hộ sử dụng, trên 98% số hộ có ti vi và xe máy; 70% số hộ có nhà xây kiên cố và 60% số hộ được dùng nước sạch... Đến cuối năm 2017, xã Ia Rsai đã đạt được 10/19 tiêu chí về xây dựng xây dựng nông thôn mới.

Các tuyến đường liên thôn trong xã đã được bê tông hóa. Ảnh: N.S
Các tuyến đường liên thôn trong xã đã được bê tông hóa. Ảnh: N.S

Để xây dựng thành công chương trình nông thôn mới trong những năm tiếp theo, ông Hiao Buk-Chủ tịch UBND xã Ia Rsai, cho biết: “Trong kháng chiến, người dân Ia Rsai anh dũng trong chiến đấu, còn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới thì Đảng bộ và nhân dân trong xã cũng đã phát huy truyền thống của một xã anh hùng để ra sức thực hiện các tiêu chí. Thời gian tới, để hoàn thành các tiêu chí còn lại và củng cố vững chắc những tiêu chí đã đạt được là thách thức không nhỏ, đòi hỏi Ia Rsai phải tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đưa ra những phương hướng, kế hoạch đúng đắn, hợp lòng dân. Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận của toàn dân; tập trung nhân rộng các điển hình tiên tiến trong việc hiến đất, góp công, các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi... để tạo phong trào thi đua rộng khắp trong các thôn buôn”.

Đổi mới, phát triển và từng bước hội nhập nhưng Ia Rsai vẫn là một vùng quê yên bình. An ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Với nền tảng vững chắc của một xã anh hùng, Đảng bộ xã Ia Rsai nhiều năm liền làm tốt công tác xây dựng Đảng, làm tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp thanh niên trong xã, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, góp phần xây dựng thôn buôn ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm