Gia Lai: Già làng tích cực tuyên truyền về bầu cử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bằng uy tín và trách nhiệm, các già làng cùng ủy ban bầu cử địa phương nỗ lực tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để từ đó tham gia thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình.

Do gia đình có việc trong thời gian dài ở xa nên bà Rơ Lan Nir (làng C, xã Gào, TP. Pleiku) chưa tham gia họp làng hay tiếp cận với thông tin về bầu cử. Ngay sau khi trở về làng, bà được già làng Rơ Châm Ơm tới nhà ân cần thăm hỏi và tuyên truyền về sự kiện chính trị trọng đại sắp tới của đất nước.

Bà Nir chia sẻ: “Khi được già làng đến tuyên truyền về công tác bầu cử, tôi hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình. Tôi đã ra địa điểm bỏ phiếu để kiểm tra danh sách cử tri xem có tên mình hay không để đề nghị bổ sung và tìm hiểu thông tin các ứng cử viên. Đến ngày bầu cử, vợ chồng tôi sẽ đi bỏ phiếu để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Tôi mong muốn bầu được những người có trách nhiệm, uy tín vào Quốc hội và HĐND các cấp”.
 

Già làng Rơ Châm Ơm (làng C, xã Gào, TP. Pleiku) trao đổi với bà Rơ Lan Nir về công tác bầu cử. Ảnh: Trần Dung
Già làng Rơ Châm Ơm (làng C, xã Gào, TP. Pleiku) trao đổi với bà Rơ Lan Nir về công tác bầu cử. Ảnh: Trần Dung


Những ngày này, già làng Rơ Châm Ơm đều đặn đến từng nhà dân để trò chuyện, phổ biến thông tin về bầu cử. “Tôi đặc biệt dành nhiều thời gian cho những người cao tuổi, ít được tiếp xúc với các phương tiện truyền thông hay những phụ nữ quá bận rộn với công việc ruộng vườn, nhà cửa”-ông Rơ Châm Ơm chia sẻ.

Già làng Rơ Châm Ơm cũng cho biết: “Làng C có trên 200 cử tri. Khi được xã triển khai công tác bầu cử, tôi và Trưởng thôn đã tổ chức họp dân để tuyên truyền cho bà con về ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm của cử tri. Những hộ dân chưa rõ hay chưa đi họp thì tôi đến tận nhà tuyên truyền và hướng dẫn bà con đi bầu cử đúng ngày để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Chúng tôi mong muốn bầu chọn được những đại biểu có đủ tiêu chuẩn về trình độ, có đức, có tài, có năng lực, nhiệt tình giúp đỡ bà con phát triển kinh tế”.

Cũng như già Rơ Châm Ơm, già làng Đinh Ếch (làng Brò, xã An Trung, huyện Kông Chro) cũng tới từng nhà để tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử và các quy định pháp luật liên quan. Do địa bàn rộng, dân cư thưa nên việc tuyên truyền, vận động của già Đinh Ếch cũng gặp nhiều vất vả. Mặt khác, do người dân thường đi làm rẫy nhiều ngày mới trở về nhà nên việc họp dân cũng khó khăn. Làng Brò có 542 cử tri. Ngoài việc tuyên truyền tại các buổi họp làng thì già Đinh Ếch thường tranh thủ buổi tối đến tận nhà vận động bà con tập trung về nhà rông để cùng nhau tìm hiểu, nắm bắt các thông tin về bầu cử.

“Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào việc hỏi đáp về công tác bầu cử; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; quyền và nghĩa vụ của người ứng cử, của cử tri và các quy định về bầu cử. Bên cạnh đó, tôi kêu gọi bà con không nghe theo lời kẻ xấu. Đồng thời, tham gia đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc bầu cử; lợi dụng bầu cử để kích động, gây rối, chống phá Đảng và Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc”-già Đinh Ếch chia sẻ.

Ông Đinh Ếch-già làng Brò (xã An Trung, huyện Kông Chro-thứ hai từ phải sang) tích cực tới từng nhà để tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử. Ảnh: Trần Dung
Già làng Đinh Ếch (thứ 2 từ phải sang; làng Brò, xã An Trung, huyện Kông Chro) tích cực tới từng nhà để tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử. Ảnh: Trần Dung


Ông Trần Văn Tuất-Bí thư Đảng ủy xã An Trung-cho biết: Xã có 8 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, các già làng đã góp phần rất lớn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm cao trong cộng đồng, các già làng đã đóng góp rất lớn trong công tác tuyên truyền về bầu cử. Đội ngũ già làng xứng đáng là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước, chính quyền với người dân.

Trong suốt 10 năm làm già làng, ông Ralan Hnêng (80 tuổi, làng Yon Tok, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) đã tích cực tuyên truyền đến người dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Đặc biệt, thời gian này, ông rất quan tâm tuyên truyền cho dân làng các thông tin về bầu cử như: quyền và nghĩa vụ của cử tri, nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.

“Tôi luôn dặn dò bà con phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình. Đến ngày đó, tôi sẽ tiếp tục vận động để bà con đi bầu cử đạt 100%”-ông Hnêng nói.
 

 TRẦN DUNG