Kinh tế

Gia Lai: Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi hồ tiêu được giá, người dân trên địa bàn tỉnh đã ồ ạt mở rộng diện tích dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Do cung vượt cầu, giá hồ tiêu sụt giảm, dịch bệnh xảy ra... gây thiệt hại về kinh tế cho người trồng. Trước thực tế này, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp và định hướng để phát triển sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững.

Vỡ quy hoạch và hệ lụy

Theo Quyết định số 681/QĐ-UBND ngày 7-10-2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, tầm nhìn 2020 thì diện tích hồ tiêu của tỉnh đến năm 2015 là 6.000 ha và vẫn giữ nguyên đến năm 2020. Trong khi đó, theo Quyết định số 1442/QĐ-BNN-TT ngày 27-6-2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, quy hoạch hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 chỉ là 5.500 ha.

 

Người dân huyện Đak Đoa thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: L.N
Người dân huyện Đak Đoa thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: L.N

Tuy nhiên, do giá hồ tiêu trong giai đoạn 2010-2015 liên tục tăng cao, từ 42.000 đồng/kg (năm 2010) lên 220.000 đồng/kg (năm 2015) nên người dân đã ồ ạt mở rộng  diện tích loại cây trồng này dẫn đến vượt quy hoạch gần 10.000 ha. Theo đó, năm 2010, trên địa bàn tỉnh có 5.832 ha hồ tiêu thì đến năm 2015 diện tích đã tăng lên 14.797 ha (tăng bình quân mỗi năm hơn 2.000 ha). Tổng diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2017 khoảng 16.322 ha (vượt quy hoạch 10.322 ha).

Việc phát triển ồ ạt, không theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn dẫn tới cung vượt cầu, giá hồ tiêu sụt giảm, sâu bệnh hại lây lan trên diện rộng... tác động tiêu cực về kinh tế. Cụ thể, từ năm 2016, giá hồ tiêu bắt đầu giảm xuống còn 130.000 đồng/kg và tiếp tục giảm mạnh trong năm 2017 còn khoảng 70.000 đồng/kg, đặc biệt đến nay chỉ còn khoảng 50.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, sâu bệnh hại trên cây hồ tiêu cũng thường xuyên xuất hiện như: bệnh thán thư, đốm đen mặt dưới lá, thối đen đầu lá, bọ xít lưới, tuyến trùng, rệp sáp hại rễ và đặc biệt nguy hiểm là bệnh chết nhanh, chết chậm. Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn, hàng năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 729 ha hồ tiêu bị bệnh chết nhanh (nhiễm nhẹ 393 ha, trung bình 232 ha, nặng 104 ha) và khoảng 3.288 ha nhiễm bệnh vàng lá chết chậm (nhiễm nhẹ 1.336 ha, trung bình 1.060 ha, nặng 892 ha).

Được biết, nguyên nhân chính gây ra dịch bệnh là do người trồng hồ tiêu thâm canh quá mức, sử dụng phân bón hóa học quá liều lượng dẫn đến cây bị ngộ độc, môi trường sinh thái mất cân bằng, không thuận lợi cho nấm đối kháng, nấm có ích phát triển. Bên cạnh đó, nhiều nông dân thiếu am hiểu về kiến thức quy trình kỹ thuật trồng hồ tiêu và bất chấp sự khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Nhiều diện tích hồ tiêu được trồng trên những vùng đất không phù hợp, đất dễ bị ngập úng khi mưa bão. Hiện tại, khi giá hồ tiêu giảm, nông dân không chăm sóc đầy đủ nên vườn cây tiếp tục bị ảnh hưởng.

Giải pháp phát triển hồ tiêu an toàn, bền vững

Trước thực tế trên, để phát triển hồ tiêu an toàn, bền vững, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp. Ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, cho biết: Chư Pưh đã hình thành vùng chuyên canh cây hồ tiêu trọng điểm của tỉnh. Toàn huyện hiện có hơn 9.000 hộ trồng hồ tiêu với diện tích hơn 2.991 ha. Những năm gần đây, dịch bệnh trên cây hồ tiêu đã xảy ra trên diện rộng. Hàng năm có khoảng 120-150 ha hồ tiêu bị chết do nhiễm bệnh làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Để sản xuất hồ tiêu bền vững, huyện đã triển khai các giải pháp như: khuyến khích xây dựng vườn ươm giống hồ tiêu nhằm chọn lọc, đảm bảo đủ giống tốt, giống sạch bệnh cung ứng cho trồng trọt; ứng dụng và nhân rộng mô hình phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM, VietGAP cho cây hồ tiêu; chủ động phòng trừ dịch bệnh ngay từ khi chọn giống, xử lý đất để hạn chế các loại nấm bệnh; tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học (Tricoderma, Pseudomonas, Peacilomyces) giúp hạn chế bệnh chết nhanh, chết chậm; xây dựng các mô hình trình diễn về sản xuất hồ tiêu sạch, an toàn theo hướng hữu cơ; nhân rộng mô hình trồng xen cây hồ tiêu trong vườn cà phê, cây ăn quả...  

Còn ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) thì cho biết: Các địa phương cần rà soát toàn bộ diện tích hồ tiêu trên địa bàn và xác định vùng sản xuất phù hợp, không phù hợp để có hướng xử lý hiệu quả; vận động nhân dân kiên quyết không mở rộng diện tích mà phải giảm diện tích hiện có, nhất là những vườn bị sâu bệnh nặng, trồng trên đất không phù hợp để chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu trên cơ sở ký kết tiêu thụ sản phẩm với các nhà máy chế biến. Đối với những vườn bị nhiễm bệnh nặng không có khả năng phục hồi thì phải nhổ bỏ để tiêu hủy nguồn bệnh, tránh lây lan. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất hữu cơ bền vững, sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic. Các huyện: Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, Đak Đoa cần khẩn trương xây dựng vườn cây giống đầu dòng để sản xuất cây giống cung ứng tốt cho nhu cầu sản xuất của người dân...

Về định hướng phát triển hồ tiêu trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ông Trần Xuân Khải cho biết thêm: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã định hướng phát triển hồ tiêu trên địa bàn tỉnh thời gian tới là duy trì diện tích ở mức 15.000 ha; tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ở các huyện: Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông, Ia Grai, Chư Pah, Đak Đoa, Mang Yang, Đức Cơ và TP. Pleiku để đáp ứng nguyên liệu phục vụ 2 nhà máy chế biến hồ tiêu sạch với công suất 10.000 tấn/năm. Đối với những vườn hồ tiêu đang phát triển tốt, chưa có biểu hiện nhiễm bệnh hoặc nhiễm bệnh nhẹ cần áp dụng các biện pháp canh tác bền vững (IPM, VietGAP, GlobalGAP, Organic) do cơ quan chuyên môn hướng dẫn và sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ bệnh. Cơ quan chuyên môn, các địa phương cần siết chặt công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp để ngăn chặn nguồn hàng giả, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến sản xuất”.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm