Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Gia Lai: Góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 15-10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Tham dự hội nghị có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.

Sở hữu trí tuệ (SHTT) là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội vì tài sản trí tuệ có giá trị lớn trong nền kinh tế tri thức, là nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh và là công cụ cạnh tranh hiệu quả của doanh nghiệp và nền kinh tế. Từ khi được ban hành năm 2005 đến nay, Luật SHTT đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này. Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Dung
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Dung


Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu nội dung dự thảo của Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT; Báo cáo của Chính phủ về giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT; Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp và các báo cáo giải trình, tổng kết việc thi hành pháp luật, đánh giá tác động chính sách của các bộ, ngành liên quan. Đồng thời, đóng góp ý kiến về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT; thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền SHTT; hoạt động hỗ trợ về SHTT; chính sách nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHTT; tên dự thảo Luật; bố cục, câu chữ…

Đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu giải pháp, cơ chế phân cấp, phân quyền trong thực hiện các thủ tục xử lý đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp để nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương và góp phần khắc phục bất cập về tiến độ xử lý đơn; xây dựng Luật theo hướng cụ thể để thực hiện.
 

TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm