Kinh tế

Gia Lai: Huyện biên giới Chư Prông nhiều đổi thay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên bản đồ hành chính của tỉnh Gia Lai, huyện Chư Prông nằm ở phía Tây nối dài từ thành phố Pleiku giáp huyện Ea Sup tỉnh Đak Lak và giáp Vương quốc Campuchia. Địa bàn rộng xấp xỉ 1.700 km2 với 20 đơn vị hành chính và dân số khoảng 100.000 người. Huyện được đặt theo tên của một ngọn núi lớn (Chư là núi, Prông là lớn), đặc biệt nhắc đến Chư Prông người ta thường liên tưởng đến chiến thắng Plei Me và người anh hùng Kpă Klơng gắn liền với cuộc chiến tranh chống đế quốc xâm lược. Plei Me giờ trở thành địa chỉ tham quan hấp dẫn du khách đến từ mọi miền, nhất là những người đã từng tham gia chiến đấu trong chiến dịch Plei Me 49 năm trước.
 

Trung tâm huyện Chư Prông.
Trung tâm huyện Chư Prông.

Tôi đến Chư Prông lần đầu cách đây đã 30 năm, khi còn công tác ở một ngành khác. Huyện bấy giờ còn nghèo, đường từ Pleiku vào thị trấn huyện vẫn còn đường đất, xe đò ngày một chuyến ra và vào, bụi mù. Điện máy nổ chỉ phát đến nửa đêm, còn thì thắp đèn dầu. Vào các xã xa như Ia Lâu, Ia Mơr phải đi mất vài ngày mới đến nơi. Bạn tôi ngày ấy tuy là viên chức nhưng đời sống còn rất khó khăn…

Bẵng đi vài chục năm trở lại, tôi không thể nhận ra huyện nghèo Chư Prông năm nào bởi nơi đây hoàn toàn khác xưa. Dọc hai bên đường vào là những vườn cà phê xanh tốt, hàng hàng cao su thẳng tắp đến ngút ngàn. Thị trấn huyện như một đô thị hiện đại nhà cửa khang trang cùng quán xá, cửa hàng san sát dọc hai bên những con phố. Gặp lại bạn cũ vất vả ngày nào giờ nhà lên lầu, sắm cả xe ô tô. Tiếp tôi trong gian phòng khách rộng, đầy đủ tiện nghi, bạn tâm sự: Nhờ làm 3 ha cà phê mỗi năm thu về hơn trăm triệu đồng dành dụm đến nay mới được như thế này. Rồi anh kể tiếp, thu nhập như anh đã là gì, bên Ia Vê, Ia Pia, có nhiều hộ từ huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định mới lên trên dưới chục năm giờ hàng năm đã thu tiền tỷ nhờ trồng tiêu và cà phê.

Đúng như anh bạn nói, tôi đã tìm gặp anh Nguyễn Trúc-Chủ tịch UBND xã Ia Vê và Nguyễn Hồng Thủy-Chủ tịch UBND xã Ia Pia. Hai anh đều là người Phù Cát lên năm 1999. Anh Trúc hiện có 20 ha cà phê và hồ tiêu, anh Thủy hơn 5 ha hồ tiêu, là “đại gia” của vùng này. Cán bộ lãnh đạo địa phương mà giàu có như các anh thì dân mừng bởi sẽ toàn tâm toàn ý lo cho công tác xã hội, khó nảy sinh tư tưởng tơ hào, bòn rút của công. Hai xã có khoảng trên dưới trăm hộ dân Phù Cát lên lập nghiệp, hộ nào cũng giàu, có nhà sắm cả ô tô để thỉnh thoảng lái về thăm quê. Xã Ia Vê có đến 120 ha  hồ tiêu, 980 ha cà phê và 100 ha cao su tiểu điền, chưa kể các loại cây trồng khác và rau màu. Nhiều hộ đồng bào Jrai giàu lên như nhà ông Rơ Mah Chun ở làng O Ngol, xã Ia Vê, có 600 trụ tiêu và 1 ha cà phê, mỗi năm thu gần 200 triệu đồng. Xã Ia Pia có 300 ha cà phê, 745 ha hồ tiêu, có vườn đạt năng suất đến hơn 10 tấn/ha.
Dân giàu, huyện giàu là phải!

 

 

Những ngày này Chư Prông đang tập trung lo cho công tác tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện và công tác chia tách thành lập huyện mới Plei Me. Đề án rất thuyết phục bởi căn cứ vào điều kiện địa hình và nền kinh tế-xã hội của các xã dự kiến thuộc huyện mới đều có khả năng bứt phá đi lên. Trên cơ sở tách các xã: Ia Ga, Ia Lâu, Ia Mơr, Ia Vê, Ia Pia dọc trục tỉnh lộ 665 và thành lập thêm một số xã mới sẽ nâng tổng số xã của huyện Plei Me lên 10-11 xã, thị trấn với tổng diện tích xấp xỉ 89.000 ha và dân số khoảng 37.000 người. Điều cực kỳ thuận lợi là nhiều xã trong huyện đều đã có nền kinh tế-xã hội ổn định nhờ diện tích cây công nghiệp dài ngày rất lớn như Ia Vê, Ia Pia, Ia Ga… và nếu lấy trung tâm xã Ia Ga làm thị trấn huyện lỵ thì cự ly các xã đều cách trung tâm huyện không quá 25 km, thuận tiện cho việc đi lại.

Trên địa bàn lại có công trình thủy lợi Ia Mơr đang hoàn thiện, cung cấp nước tưới cho 12.500 ha cây trồng và cung cấp nguồn thủy điện tại chỗ. Với địa hình huyện mới, Plei Me còn thêm nhiều thuận lợi nhờ giao thông thông suốt với các địa phương trong vùng vốn có tiềm lực kinh tế như thành phố Pleiku, huyện Chư Sê, huyện Chư Pưh và huyện Ea Sup của tỉnh bạn Đak Lak, có điều kiện cùng nhau liên kết phát triển giao thương.

Vùng biên Chư Prông đang tiếp tục đổi thay…

Nguyên Anh

Có thể bạn quan tâm