Kinh tế

Tài chính

Gia Lai khẩn trương rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cục Thuế tỉnh Gia Lai đang tập trung rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân giai đoạn 2 để hướng tới mục tiêu đảm bảo kết nối, đồng bộ dữ liệu thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 của Chính phủ. Đây được xem là cơ sở để siết chặt quản lý và chống thất thu thuế.

Ngày 19-4-2024, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 822/CTGLA-KK về việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân. Sau đó, Cục Thuế tỉnh tiếp tục có Công văn số 1106/CTGLA-KK ngày 31-5-2024 gửi các cơ quan thành viên Đề án 06 về việc phối hợp, hỗ trợ rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế phục vụ kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân nhằm bảo đảm mỗi cá nhân được cấp 1 mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời. Người phụ thuộc của cá nhân được cấp mã số thuế để giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân.

Tính đến ngày 31-7-2024, ngành Thuế tỉnh đã triển khai rà soát, chuẩn hóa 84.657/119.848 mã số thuế, đạt 64,1%. Trong đó, tỷ lệ mã số thuế đã khớp đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 45,2%.

Cán bộ thuế hướng dẫn người nộp thuế kê khai, cập nhật thông tin cá nhân theo đúng quy định. Ảnh: S.C

Cán bộ thuế hướng dẫn người nộp thuế kê khai, cập nhật thông tin cá nhân theo đúng quy định. Ảnh: S.C

Ông Trần Quang Thành-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh-thông tin: “Công tác chuẩn hóa mã số thuế cá nhân là khâu quan trọng để hướng tới sử dụng mã định danh cá nhân thay cho mã số thuế. Cục Thuế tỉnh xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ mã số thuế khớp đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ở mức cao nhất, riêng tỷ lệ rà soát phấn đấu đạt 100%”.

Nhằm tăng tốc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân đạt chỉ tiêu được giao, Chi cục Thuế khu vực Ayun Pa-Phú Thiện-Ia Pa đã thành lập Tổ hỗ trợ chuẩn hóa mã số thuế để phối hợp, hỗ trợ các đội thuế cập nhật thông tin vào ứng dụng để chuẩn hóa dữ liệu. Ngoài ra, tại các địa phương, Chi cục Thuế khu vực phân công mỗi địa bàn 1 công chức làm việc trực tiếp với Công an các xã, thị trấn để rà soát thông tin.

Theo ông Lê Tuấn Tú-Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Ayun Pa-Phú Thiện-Ia Pa: “Tổng số người nộp thuế cần rà soát, chuẩn hóa giai đoạn 2 thuộc 4 nhóm là 17.283 trường hợp. Tính đến ngày 31-7, có 7.145 trường hợp được rà soát khớp đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt 41%. Đối với 10.137 trường hợp còn lại thì chủ yếu thuộc nhóm 2 (người nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) với 9.834 người. Chi cục phấn đấu đến ngày 15-8 tỷ lệ khớp đúng trên 53%”.

Việc kết nối, đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của ngành Thuế. Ảnh: S.C

Việc kết nối, đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của ngành Thuế. Ảnh: S.C

Mã số thuế của cá nhân cần rà soát là mã số thuế của cá nhân có quốc tịch Việt Nam, đồng thời là cá nhân có phát sinh thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân, là người phụ thuộc theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; là cá nhân có phát sinh nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác như: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; lệ phí trước bạ nhà đất, ô tô, xe máy; cá nhân đại diện hộ kinh doanh.

Chi cục Thuế khu vực An Khê-Đak Pơ-Kông Chro cũng đang tập trung triển khai rà soát nhóm người nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Đây là nhóm có tỷ lệ người nộp thuế lớn nhất trong 4 nhóm đối tượng ưu tiên.

Theo đó, Chi cục kết xuất danh sách phải rà soát tiến hành lọc, phân loại người nộp thuế trong danh sách. Sau đó, tiến hành tra cứu trên ứng dụng của Tổng cục Thuế. Để đạt được mục tiêu theo kế hoạch đề ra, Chi cục đã chỉ đạo, phân công các đội thuế liên phường, xã liên hệ thu thập thông tin dân cư, cập nhật thông tin lên ứng dụng.

Ông Hoàng Phi Dũng-Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực An Khê-Đak Pơ-Kông Chro-cho biết: “Việc đồng bộ hóa dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cả Chi cục Thuế và người nộp thuế trong việc quản lý thuế, tra cứu thông tin, thực hiện nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước”.

Có thể bạn quan tâm