(GLO)- Chiều 2-8, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 các huyện, thị xã, thành phố để triển khai Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ và các nhiệm vụ liên quan đến phòng-chống dịch Covid-19.
Nhiều ca mắc Covid-19 từ vùng dịch về
Báo cáo về công tác phòng-chống dịch trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Tuấn thông tin: Từ ngày 28-5-2021 đến sáng 2-8, Gia Lai đã ghi nhận 72 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố. Đến thời điểm báo cáo có 7 trường hợp đã xuất viện. Đặc biệt, trong số 72 ca mắc Covid-19 có 59 trường hợp là người từ vùng dịch về. Thời gian qua, tỉnh tiếp tục duy trì 4 chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ và 20 chốt kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương; đã thiết lập, vận hành Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19; khảo sát và xây dựng kế hoạch thiết lập 3 bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn TP. Pleiku để đáp ứng theo từng cấp độ dịch. Ngành Y tế đã triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 4 cho 15.616 người/17.790 liều. Đồng thời, triển khai tiêm đợt 5 với 6.000 liều vắc xin AstraZeneca, dự kiến kết thúc trước ngày 10-8.
|
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Như Nguyện |
Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Công an tỉnh-cho biết: Thời gian qua, nhiều công dân tự phát từ vùng dịch về qua địa bàn tỉnh, nhiều nhất là qua chốt kiểm soát khu vực cầu 110 (huyện Chư Pưh); lực lượng chức năng không chỉ lo ăn uống còn lo xăng xe cho công dân, đảm bảo không ai bị đói. Ngoài ra, lực lượng Công an đã tổ chức dẫn các đoàn xe qua địa bàn tỉnh an toàn. Riêng với công dân về tỉnh thì được phân loại và đưa đi cách ly theo đúng quy định. “Hiện nay đã có Công điện số 1063/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng-chống dịch, trong đó có nội dung chỉ đạo “tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31-7-2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép)”. Theo đó sẽ gia tăng việc trốn về tại các đường mòn, lối mở. Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu đánh giá vấn đề này, tăng cường thêm các chốt kiểm soát chặt tại các đường mòn, lối mở… Đồng thời, kêu gọi người dân cùng giám sát, kịp thời tố giác các trường hợp trốn về, các trường hợp vi phạm quy định về phòng-chống dịch”-Đại tá Sơn đề xuất.
Tại TP. Pleiku, sau 1 tuần triển khai một số biện pháp theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Bí thư Thành ủy Trịnh Duy Thuân cho biết: Nhìn chung người dân chấp hành tương đối tốt. Từ ngày 25-7 đến nay, TP. Pleiku không phát sinh thêm ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, chủ yếu là trong khu cách ly. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn. Vì vậy, TP. Pleiku tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng-chống dịch theo quy định.
Không chủ quan, lơ là
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh cũng phân tích thêm về các chuỗi lây nhiễm trên địa bàn tỉnh, công tác cách ly, phân tầng điều trị đối với bệnh nhân Covid-19 và một số vấn đề liên quan trong công tác phòng-chống dịch. Đại diện các sở, ban, ngành, địa phương cũng đã có ý kiến, đề xuất liên quan đến công tác phòng-chống dịch.
|
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Như Nguyện |
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên yêu cầu cấp ủy, chính quyền và ban chỉ đạo các địa phương cần quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng-chống dịch; tập trung kiểm soát tốt tình hình, không lơ là, chủ quan, không để bị động trong các tình huống. Chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhưng phải đảm bảo theo nguyên tắc phòng-chống dịch.
Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh thông tin: Đến 18 giờ ngày 2-8, Gia Lai ghi nhận thêm 31 ca mắc Covid-19 tại các khu cách ly tập trung. Toàn bộ số ca bệnh này là người từ vùng dịch về và đã được cách ly tập trung ngay. Như vậy, tính từ ngày 26-4 đến 18 giờ ngày 2-8, Gia Lai ghi nhận 103 ca mắc Covid-19, trong đó có 7 ca đã khỏi bệnh. |
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Đến nay, TP. Pleiku đã qua 7 ngày và các địa phương khác đã nhiều ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Đây là điều rất tốt nhưng cũng dễ nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là. Mỗi ngày, có hàng trăm người từ các tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về địa phương được đưa đi cách ly tập trung nên tỉnh phải chuẩn bị thật tốt các khu cách ly tập trung để đưa công dân về. Ngoài ra, có hàng ngàn người đến tỉnh và đi qua tỉnh để về các địa phương khác nên phải chuẩn bị nguồn nhân lực để đưa công dân đi qua địa bàn tỉnh an toàn, đảm bảo không có tình huống nào xảy ra. Bên cạnh đó, sẽ có vài chục đến hàng trăm người được đưa ra khỏi khu cách ly tập trung thì việc giám sát họ sau khi về cách ly tại nhà phải chặt chẽ.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tập trung thực hiện tiêm vắc xin theo kế hoạch, cố gắng nguồn vắc xin cấp về lúc nào phải tiến hành tiêm kịp thời. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc đầy đủ, nghiêm túc, đồng bộ, trách nhiệm, nâng cao ý thức tự giác, đồng thời kêu gọi sự tự nguyện, hưởng ứng của cộng đồng ở cơ sở và các doanh nghiệp tham gia công tác phòng-chống dịch. Huy động các tổ chức xã hội và người dân ủng hộ các chốt kiểm soát phòng-chống dịch. Phát huy vai trò tổ Covid cộng đồng và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm thông điệp 5K, các quy định của chính quyền địa phương trong công tác phòng-chống dịch.
Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các ngành liên quan nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ cho người dân. Ngành Y tế phải bố trí đầy đủ vật chất, nguồn lực trong công tác phòng-chống dịch.
|
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (thứ 3 từ phải sang) kiểm tra công tác phòng-chống dịch Covid-19 tại chốt kiểm soát phòng-chống dịch Covid-19 khu vực cầu 110 trên quốc lộ 14-đoạn giáp ranh Gia Lai và Đak Lak. Ảnh: Quang Tấn |
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc
Kết luận cuộc họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành-Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh-nhấn mạnh: Chúng ta xác định công tác phòng-chống dịch là lâu dài. Vì vậy, khi chưa đạt được miễn dịch cộng đồng thì buộc phải sống chung với dịch và có biện pháp ứng phó phù hợp; tiếp tục triển khai công tác phòng-chống dịch một cách đầy đủ và đồng thời phát triển kinh tế-xã hội, tổ chức sản xuất, đầu tư xây dựng cơ bản, không để đứt gãy trong tình hình mới.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành (thứ 3, hàng bên phải) nắm tình hình tại các khu cách ly do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý. Ảnh: Như Nguyện |
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng công tác phòng-chống dịch thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Trong đó, tỉnh đã cơ bản kiểm soát được 3 chuỗi lây nhiễm và sàng lọc, tầm soát từ ban đầu các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ngay từ vùng dịch về, không để lây lan trong cộng đồng. Kết quả này là nhờ các lực lượng, nhất là lực lượng tuyến đầu chống dịch đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, việc tham gia hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, Mạnh Thường Quân, của người dân cho tuyến đầu, các khu cách ly và các vùng khó khăn đã góp phần hỗ trợ cho công tác phòng-chống dịch.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, vẫn còn một số hạn chế, lúng túng trong công tác phòng-chống dịch, cần nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới. Công tác phòng-chống dịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nên cần có nhận thức đúng, trách nhiệm cao trong công tác này từ tỉnh đến huyện, xã và cả hệ thống chính trị; trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng thành viên trong hệ thống chính trị phải được nâng lên, không ai đứng ngoài cuộc. Đến nay, về cơ bản, tỉnh đã triển khai có hiệu quả, kiểm soát tốt tình hình, dập tắt được các nguồn lây lan và kiểm soát được 3 chuỗi lây nhiễm. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn cao. Vì vậy, các cấp, các ngành và người dân không được chủ quan, lơ là.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị bí thư cấp ủy, người đứng đầu địa phương cần nêu cao trách nhiệm, bám sát công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý trong công tác phòng-chống dịch. Tiếp tục tổ chức tốt việc tiếp nhận hỗ trợ, không để đứt gãy lưu thông hàng hóa. Đồng thời, tổ chức sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ bản thật linh hoạt, có hiệu quả. Các cấp, các ngành cần quan tâm giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Việc chống dịch trên địa bàn là trách nhiệm của địa phương, các lực lượng của tỉnh đóng vai trò hỗ trợ; thực hiện đúng phương châm “4 tại chỗ”, việc nào vượt quá khả năng thì báo cáo tỉnh giải quyết.
|
Cán bộ y tế lưu lại thông tin trước khi lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: Như Nguyện |
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ động triển khai tiêm vắc xin trong thời gian ngắn nhất, sớm nhất và an toàn cho người dân. Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1063/CĐ-TTg yêu cầu “ai ở đâu ở đấy”. Vì vậy, các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cho các gia đình có thân nhân ở các vùng đang thực hiện Chỉ thị 16 nắm bắt và khuyên thân nhân nên ở lại địa phương đó, tuân thủ các quy định phòng-chống dịch. Khi tỉnh chuẩn bị đảm bảo các điều kiện về chỗ ăn ở, cách ly cho người dân thì sẽ triển khai đón công dân về.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý phải tập trung bảo vệ nguồn nhân lực của ngành Y tế, đảm bảo các điều kiện, chế độ, sức khỏe để y-bác sĩ làm việc, không để lây nhiễm chéo. Công tác truyền thông phải đi trước một bước, không để các thế lực xấu lợi dụng xuyên tạc. Ngành Y tế cần tham mưu mua sắm vật tư, sinh phẩm, trang-thiết bị phục vụ công tác phòng-chống dịch trước mắt cũng như lâu dài; tính toán thành lập các khu chữa trị phù hợp, không lãng phí nguồn nhân lực. Ngành Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn bị các điều kiện, xây dựng kế hoạch tổ chức năm học mới an toàn.
NHƯ NGUYỆN