Pháp luật

Gia Lai kiên quyết xử lý tình trạng xe chở mía quá khổ, quá tải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bước vào vụ thu hoạch 2022-2023, tình trạng xe mía chở quá khổ, quá tải tại vực phía Đông và Đông Nam tỉnh cơ bản được kiểm soát. Ngoài việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và các nhà máy đường đã phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm đảm bảo an toàn giao thông và hạ tầng đường bộ.

Hiện nay, mỗi ngày có 700-800 xe chở mía đến Nhà máy Đường An Khê. Trước tình hình đó, Công an thị xã An Khê đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm kiểm soát tải trọng, hạn chế phương tiện vi phạm tập trung về nhà máy với số lượng lớn, gây khó khăn trong công tác xử lý. Ngoài ra, Công an thị xã còn tổ chức rà soát các tuyến đường dân sinh để đề xuất Ban An toàn giao thông thị xã cắm biển hạn chế tải trọng nhằm tập trung tất cả các phương tiện vào đường chính dẫn đến nhà máy, góp phần bảo vệ hạ tầng giao thông và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Đồng thời, đơn vị tổ chức cho 650 tài xế, chủ xe ký cam kết không chở hàng quá tải, quá khổ và cơi nới thành thùng xe, thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ngoài ra, Công an thị xã phối hợp với chính quyền các địa phương trong vùng nguyên liệu để tuyên truyền các đại lý kinh doanh mía và người trồng mía tuân thủ những quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an thị xã An Khê kiểm tra kích thước thành thùng xe chở mía. Ảnh: Minh Triều

Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an thị xã An Khê kiểm tra kích thước thành thùng xe chở mía. Ảnh: Minh Triều

Từ đầu vụ ép mía đến nay (19-12-2022 đến 19-2-2023), lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an thị xã An Khê đã lập biên bản xử phạt 93 trường hợp vi phạm tải trọng, kích thước thành thùng xe với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Thiếu tá Nguyễn Bảo Hưng-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an thị xã An Khê) cho biết: Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện các phương tiện chở quá tải, quá khổ, đơn vị buộc phải hạ tải, cắt bỏ phần mía chở quá chiều dài thùng xe, thậm chí cắt bỏ thành thùng xe cơi nới để chở mía. Đến thời điểm này, các tài xế, chủ mía rất đồng tình ủng hộ. Các phương tiện vận chuyển mía vào nhà máy cơ bản gọn gàng, đúng tải trọng, đảm bảo về chiều cao cho phép. “Để không còn tái diễn tình trạng xe chở mía quá khổ, quá tải hoạt động rầm rộ như các vụ thu hoạch trước, tất cả các tài xế đều đã được tuyên truyền, ký cam kết chấp hành nghiêm tải trọng. Lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự tăng cường tuần tra kiểm soát, nếu phát hiện phương tiện vi phạm sẽ kiên quyết xử lý”-Thiếu tá Hưng khẳng định.

Còn tại khu vực Đông Nam tỉnh, lực lượng Công an thị xã Ayun Pa phải tổ chức mật phục, chốt chặn mới dừng được phương tiện vận chuyển mía để cân tải trọng. Bởi khi phát hiện lực lượng Công an, các tài xế thông báo cho nhau và ngừng lưu thông. Thậm chí, tài xế sẵn sàng chờ nhiều giờ đến khi lực lượng chức năng đổi ca, rút khỏi tuyến đường hoặc chờ đến đêm thì mới tiếp tục vận chuyển mía về nhà máy. Đại úy Đỗ Như Vũ-Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an thị xã Ayun Pa) khẳng định: “Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát Giao thông tiếp tục tuyên truyền, vận động các chủ xe, doanh nghiệp, tài xế cam kết chấp hành nghiêm về tải trọng, nhất là không cơi nới kích thước thành thùng xe. Đồng thời, đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, nhất là vào khung giờ cao điểm, đêm khuya để xử lý triệt để tình trạng xe chở mía quá khổ, quá tải”.

Lực lượng CSGT Công an thị xã An Khê cân tải trọng xe chở mía. Ảnh: Ngọc Sang

Lực lượng CSGT Công an thị xã An Khê cân tải trọng xe chở mía. Ảnh: Ngọc Sang

Cũng liên quan đến xe chở mía quá khổ, quá tải, trước thềm vụ ép 2022-2023, Nhà máy Đường An Khê đã gặp mặt lãnh đạo chính quyền địa phương và lực lượng Công an các huyện: Đak Pơ, Kông Chro, Kbang và thị xã An Khê; lãnh đạo 10 xã trọng điểm trồng mía và 60 nông dân có diện tích mía lớn nhất trong vùng nguyên liệu để công bố kế hoạch thu mua mía; trao đổi về việc vận chuyển mía vào Nhà máy sao cho vừa thuận lợi, vừa đảm bảo đúng Luật Giao thông đường bộ.

Ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê-cho biết: Từ tháng 8-2022, Nhà máy phối hợp với Công an thị xã An Khê để chuẩn bị cho vụ thu hoạch mía 2022-2023. Đồng thời, Nhà máy cũng đã mời lãnh đạo các địa phương, lực lượng chức năng, trên 150 chủ mía và 60 chủ xe để tuyên truyền về việc vận chuyển, đặc biệt là nghiêm cấm xe chở mía quá khổ, quá tải. Để siết chặt quản lý xe chở mía, Nhà máy đã cấp logo nhận diện cho từng phương tiện ở mỗi vùng nguyên liệu; đồng thời, phối hợp với lực lượng chức năng xây dựng các bến bãi cố định, đưa các phương tiện chở mía vào đậu đỗ ngay ngắn. Qua đó, cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát phương tiện khi cần thiết, tránh tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các điểm đậu đỗ. “Mỗi vùng nguyên liệu có số lượng xe nhất định nên Nhà máy cũng dễ kiểm soát về vấn đề bến bãi cũng như phát hiện những xe quá khổ, quá tải. Khi đó, chúng tôi kiên quyết không cấp phiếu, không cân và phối hợp với lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt”-ông Phước nhấn mạnh.

NGỌC SANG - MINH TRIỀU

Có thể bạn quan tâm