Ngay khi sang Đông Dương, Navarre đã vạch ra một kế hoạch mang tên mình với tham vọng sau 1 năm sẽ “lật ngược thế cờ”. Tại chiến trường Liên khu 5, Navarre mưu đồ mở chiến dịch Atlante gồm 3 bước: bước 1 từ Khánh Hòa đánh ra chiếm Phú Yên; bước 2 đổ bộ lên Quy Nhơn kết hợp với cánh quân từ Phú Yên đánh ra, từ An Khê đánh xuống chiếm Bình Định; bước 3 từ Bình Định đánh ra Quảng Nam, phối hợp Đà Nẵng đánh vào, Kon Tum đánh xuống, hợp điểm tại Quảng Ngãi chiếm trọn toàn bộ vùng tự do Liên khu 5, kết thúc chiến dịch.
Bấy giờ, lực lượng vũ trang Liên khu 5 chỉ có 2 trung đoàn chủ lực là 108 và 803. Nếu phân tán lực lượng để đối phó với các hướng tấn công của địch tức là ta sẽ bị sa vào thế bị động, sẽ bị lực lượng đông gấp nhiều lần của địch tiêu diệt. Sau khi phân tích tình hình, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 5 dưới sự lãnh đạo của Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 5 Nguyễn Chánh chủ trương: Giao nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do cho các lực lượng địa phương, tập trung chủ lực mở cuộc tấn công lớn lên Tây Nguyên, kìm chân không cho lực lượng của địch rút đi nơi khác; phối hợp một cách nhịp nhàng và hiệu quả với chiến trường Điện Biên Phủ.
Thực hiện chủ trương chiến lược này, ngày 28-1-1954, quân ta mở màn Chiến dịch Tây Nguyên với điểm đột phá là cứ điểm Măng Đen. Đây là một cứ điểm kiên cố, án ngữ và kiểm soát một vùng rộng lớn ở Đông Bắc Kon Tum và miền Tây Quảng Ngãi. Cứ điểm Măng Đen bị tiêu diệt đã làm cho lực lượng địch ở thị xã Kon Tum hoang mang cực độ.
Thừa thắng, Trung đoàn 108 và 803 cấp tốc hành quân ra Bắc và Nam Kon Tum bao vây, cô lập thị xã, chia cắt Kon Tum với Gia Lai. Sau khi tiêu diệt 2 cụm cứ điểm Đăk Glei và Đăk Tô, ngày 7-2-1954, sau hơn 3 ngày anh dũng chiến đấu, quân ta đã tiến vào thị xã, làm chủ hoàn toàn tỉnh Kon Tum.
Lần đầu tiên một tỉnh được giải phóng trọn vẹn chỉ với 2 trung đoàn chủ lực. Tin chiến thắng lan nhanh làm nức lòng quân và dân. Đồng bào các dân tộc Gia Lai-Kon Tum hăng hái ủng hộ lương thực, thực phẩm; nô nức đi dân công hỏa tuyến với tinh thần “Một ngày bằng 20 năm”, “Tất cả để giải phóng Gia Lai”…
10 ngày sau giải phóng Kon Tum, 2 trung đoàn của ta bắt đầu hình thành thế trận bao vây, chia cắt An Khê với Pleiku, cô lập Gia Lai với Đắk Lắk và Bình Định. Tiếp đó, các cứ điểm Đak Đoa, Plei Hring bảo vệ vòng ngoài thị xã Pleiku; Tú Thủy, Cửu An bảo vệ vòng ngoài An Khê bị tiêu diệt càng làm cho lực lượng địch, bao gồm cả Binh đoàn cơ động 100 (GM100) được rút ở Triều Tiên về, lúc này đang đóng tại An Khê vô cùng hoang mang, dao động. Chiến dịch Atlante rơi vào thế bế tắc.
Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ. Ảnh: HOÀNG QUỐC VĨNH |
Giữa lúc đó, ngày 13-3-1954, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ mở màn. Thời cơ lớn đã đến! Với tinh thần “Tất cả cho Điện Biên Phủ toàn thắng”, đáp lời kêu gọi của Tư lệnh Nguyễn Chánh, bộ đội, dân công hỏa tuyến dũng cảm đạp bằng mọi khó khăn, anh dũng chiến đấu để “chia lửa” với chiến trường chính. Lúc này, để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, thêm 1 trung đoàn chủ lực của Liên khu 5 ra đời, đó là Trung đoàn 96 do nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 108 Nguyễn Minh Châu (sau này là Thượng tướng, Tư lệnh Quân khu 7) chỉ huy.
Trong lúc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đang trong những ngày hấp hối thì 2 căn cứ địch ở Đầu Đèo và Thượng An cũng bị tiêu diệt, khiến quân Pháp ở Pleiku, An Khê và GM100 rơi vào tình thế hoàn toàn bị cô lập.
Ngày 7-5-1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ. Trong trạng thái hoang mang cực độ, để tránh bị tiêu diệt, Bộ chỉ huy Pháp quyết định bỏ căn cứ An Khê rút về Pleiku. Tin trinh sát báo về, nhận định thời cơ tiêu diệt GM100 đã tới, Tư lệnh Nguyễn Chánh lệnh cho Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu động viên toàn lực lượng hành quân, bao vây tiêu diệt địch…
Sáng 24-6-1954, đoạn quốc lộ 19 từ An Khê đến dốc Đak Pơ đã diễn ra trận huyết chiến giữa Trung đoàn 96 và GM100. Quân ta với lực lượng nhỏ hơn địch nhiều lần (Trung đoàn 96 thiếu 1 tiểu đoàn) nhưng với tinh thần quả cảm đã áp sát quân địch tiến công mãnh liệt khiến phi pháo và không quân địch mất tác dụng. Kết quả, GM100 gần như bị xóa sổ với 700 lính chết, 1.200 lính bị bắt, trong đó có viên Đại tá chỉ huy GM100 Baroux cùng hàng trăm xe quân sự, hàng chục đại bác, quân trang, quân dụng.
Đòn sấm sét giáng vào GM100 đã khiến lực lượng cơ động chiến lược của địch trên địa bàn Liên khu 5 rệu rã, góp phần quan trọng vào việc bẻ gãy ý chí xâm lược của đế quốc Pháp, khiến chúng phải đặt bút ký Hiệp định Genève.
Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 với những thắng lợi giòn giã “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ, đặc biệt là trận tiêu diệt GM100 đồng thời cũng gắn liền với tên tuổi của Tư lệnh Nguyễn Chánh, người chỉ huy tài ba, người anh kính yêu của lực lượng vũ trang Liên khu 5 anh dũng.