Xã hội

Gia Lai lấy chất lượng dịch vụ làm thước đo kết quả chuyển đổi số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, Gia Lai đã áp dụng một số cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, xây dựng đô thị thông minh, tạo thuận lợi cho việc triển khai các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Ông Hoàng Văn Nam (tổ dân phố 1, phường Ia Kring, TP. Pleiku) chia sẻ: “Là người dân sống lâu năm ở thành phố nhưng hiện có nhiều tên đường tôi nghe rất lạ, như đường Lam Sơn chẳng hạn. Nhờ con trai hướng dẫn, tôi truy cập cơ sở dữ liệu (CSDL) về tên đường của tỉnh mới biết đường Lam Sơn ở xã Biển Hồ. Tôi thấy CSDL này rất hay, ngoài việc thể hiện vị trí đường thì còn giới thiệu các thông tin liên quan đến tên đường. Tỉnh triển khai các loại CSDL như thế này rất có ích, tiện lợi cho người dân tra cứu”.

Được biết, bên cạnh CSDL tên đường do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch triển khai cuối năm 2021, Gia Lai còn có nhiều CSDL chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn được các đơn vị triển khai, đưa vào sử dụng, góp phần tích cực vào công tác xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính như: CSDL giá; hệ thống thông tin và CSDL công tác dân tộc; cổng thông tin và CSDL ngành du lịch; CSDL giáo dục và đào tạo; CSDL tài nguyên và môi trường; CSDL cây thuốc... Mới đây nhất, tỉnh cũng đã kết nối thử nghiệm thành công dịch vụ xác thực số chứng minh nhân dân của công dân trên hệ thống “Một cửa điện tử” của tỉnh.

Việc xây dựng các CSDL chỉ là một trong rất nhiều kết quả tích cực của công tác chuyển đổi số mà tỉnh triển khai trong thời gian qua. Đáng ghi nhận nhất là các phần mềm ứng dụng dùng chung của tỉnh như hệ thống quản lý văn bản và điều hành, mô hình “Một cửa điện tử liên thông”, hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh (có địa chỉ truy cập https://mail.gialai.gov.vn), hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh, hệ thống cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP), phần mềm “Quản lý giao việc” của UBND tỉnh, hệ thống thông tin báo cáo... đã phát huy được hiệu quả nhất định trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền.

Doanh nghiệp Gia Lai ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số. Ảnh: Hà Duy

Doanh nghiệp Gia Lai ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số. Ảnh: Hà Duy

Báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, để thúc đẩy chuyển đổi số, hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước đã được đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động xây dựng chính quyền điện tử; 100% cơ quan có mạng nội bộ, kết nối mạng diện rộng (WAN) và internet băng thông rộng. Ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông-cho biết: Ở lĩnh vực phát triển xã hội số, hạ tầng và dịch vụ bưu chính, viễn thông của tỉnh Gia Lai đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh được kết nối cáp quang đến trung tâm; tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động, thiết bị thông minh đạt hơn 61% dân số trưởng thành và đã từng bước tiếp cận, sử dụng các dịch vụ số phục vụ đời sống. Thành phố Pleiku đã đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) nhằm cung cấp cho lãnh đạo góc nhìn toàn diện về các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn, tạo sự tương tác trực tuyến giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số đã, đang và sẽ tiếp tục là một xu hướng quan trọng bao trùm lên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo Thông báo số 16/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022: “Việc đầu tư chuyển đổi số phải có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện một cách bài bản, thực chất, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí, đặc biệt là tránh hình thức”. Riêng đối với Gia Lai, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long-Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh-nhấn mạnh: Mỗi tổ chức và cấp chính quyền phải xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, lộ trình chuyển đổi số phù hợp; phải tiến hành khẩn trương, kiên trì, liên tục; kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, các ứng dụng và dữ liệu số đã có đi đôi với đổi mới sáng tạo.

Ngày 8-2 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đã ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi IPv6 (Internet Protocol version 6) để phát triển hạ tầng số, trong đó ưu tiên tập trung chuyển đổi IPv6 cho cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công của tỉnh để phục vụ người dân, doanh nghiệp truy cập, sử dụng dịch vụ của cơ quan nhà nước qua IPv6; tập trung triển khai chiến lược phát triển bưu chính, trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, lấy người dân làm trung tâm, lấy dữ liệu làm động lực phát triển, lấy chất lượng dịch vụ làm thước đo kết quả.

Có thể bạn quan tâm