Thời sự - Sự kiện

Gia Lai: Long trọng lễ kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 1-2 (nhằm mùng 4 Tết Ất Tỵ), UBND tỉnh Gia Lai long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 254 năm khởi nghĩa Nông dân Tây Sơn (1771-2025); 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2025) tại di tích An Khê Trường thuộc Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê).

Dự lễ kỷ niệm 254 năm khởi nghĩa Nông dân Tây Sơn (1771-2025); 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2025), về phía khách mời có đồng chí U Huấn-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum; lãnh đạo huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định).

dd778efbc42e7b70223f.jpg
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Gia Lai dự lễ kỷ niệm 254 năm khởi nghĩa Nông dân Tây Sơn (1771-2025); 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2025). Ảnh: Đức Thụy

Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; Thái Thanh Bình-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy; Phạm Thị Tố Hải-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Hữu Quế-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cùng đông đảo người dân thị xã An Khê và các huyện lân cận.

9b7a06b94d6cf232ab7d.jpg
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Gia Lai dâng hoa lên tượng đài Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: Đức Thụy

Cách đây 236 năm, trong hoàn cảnh đất nước có nhiều biến loạn, ở Đàng Trong chúa Nguyễn suy tàn, gian thần lộng hành, đời sống nhân dân rơi vào cảnh lầm than; ở Đàng Ngoài chúa Trịnh lấn át vua Lê. Năm 1788-1789, với danh nghĩa giúp vua Lê, Triều đình nhà Thanh đã đưa 29 vạn quân sang xâm chiếm nước ta.

Trong bối cảnh đó, "ứng mệnh trời, thuận lòng người", ngày 22-12-1788 (nhằm ngày 25-11 năm Mậu Thân), tại núi Bân (Phú Xuân-Huế), Nguyễn Huệ đã cho xây đàn tế cáo trời đất và làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung năm thứ Nhất, rồi hạ lệnh xuất quân ra Bắc.

d7fc24a96f7cd022896d.jpg
Đoàn tuồng Nhơn Hưng (tỉnh Bình Định) biểu diễn trích đoạn “Tây Sơn thần tốc”. Ảnh: Đức Thụy

Đêm mùng 4, rạng mùng 5 Tết Kỷ Dậu, đại quân Tây Sơn đã mở cuộc tổng công kích vào đồn Ngọc Hồi-Đống Đa đánh đuổi 29 vạn quân Thanh xâm lược ra khỏi bờ cõi, giải phóng kinh thành Thăng Long, thống nhất đất nước và lập nên một chính quyền mới tiến bộ.

Trưa Mùng 5 tết Kỷ Dậu, Hoàng đế Quang Trung ngự trên lưng voi, dẫn đầu đại quân vào Kinh thành trong sự đón chào của Nhân dân Thăng Long. Đây là một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm và mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc.

Trong không khí vui tươi, rộn ràng của mùa Xuân, mở đầu phần lễ hội, các đại biểu và đông đảo người dân theo dõi màn trống trận Tây Sơn hào hùng, hoan ca do đội nhạc võ Bảo tàng Quang Trung trình diễn; xem trích đoạn “Tây Sơn thần tốc” do đoàn tuồng Nhơn Hưng (tỉnh Bình Định) biểu diễn và màn trình diễn võ cổ truyền của các võ sinh đến từ các Câu lạc bộ võ cổ truyền thuộc Chi hội Võ cổ truyền An Khê-Tây Sơn Thượng đạo.

img-2533.jpg
Các võ sinh đến từ các Câu lạc bộ võ cổ truyền thuộc Chi hội Võ cổ truyền An Khê-Tây Sơn Thượng đạo biểu diễn võ cổ truyền. Ảnh: Ngọc Minh

Kết thúc phần trình diễn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố, thị xã và các địa phương cùng người dân đã dâng hoa lên tượng đài Hoàng đế Quang Trung; tưởng nhớ công đức, sự nghiệp vẻ vang, những đóng góp to lớn của phong trào Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung và các văn thần, võ tướng triều đại Tây Sơn đã lập nên những chiến công oai hùng, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững độc lập dân tộc.

img-2614.jpg
Các đại biểu dự lễ tại Điện thờ Tam kiệt-nơi thờ tự Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Ảnh: Ngọc Minh

Tại Điện thờ Tam kiệt-nơi thờ tự Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, các thành viên trong Ban Nghi lễ đình An Khê thực hiện nghi thức cúng lễ truyền thống với các bước khai trống, khai chiêng, dâng hương, đèn, trà, hoa quả…, dưới sự chứng kiến của các đại biểu và người dân.

69e5406d08b8b7e6eea9.jpg
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện và người dân dâng hương tại Điện thờ Tam Kiệt. Ảnh: Đức Thụy

Điểm mới năm nay, Ban tổ chức bổ sung phần dâng lễ vật, thể hiện sự cảm phục và lòng biết ơn của những người con của núi rừng Tây Nguyên-thế hệ tiếp nối của cư dân vùng An Khê xưa từng gắn bó, giúp đỡ nghĩa quân Tây Sơn đối với các bậc tiền nhân Tây Sơn Tam Kiệt và 18 vị danh tướng nhà Tây Sơn. Theo đó, 21 cô gái trong trang phục truyền thống, bưng mâm lễ vật kính dâng lên Hoàng đế Quang Trung và các tướng sĩ nhà Tây Sơn.

img-2606.jpg
Các cô gái trong trang phục truyền thống, bưng mâm lễ vật kinh dâng lên Hoàng đế Quang Trung và các tướng sĩ nhà Tây Sơn. Ảnh: Ngọc Minh

Đi đầu là thiếu nữ tay cầm cành đào Bắc. Tương truyền, ngày mùng 5 Tết, mùa Xuân Kỷ Dậu-1789, khi Đại quân Tây Sơn tiến vào giải phóng hoàn toàn Thăng Long, Hoàng đế Quang Trung đã tự tay chọn 1 cành đào phai, sai kỵ sĩ ngày đêm chạy về Phú Xuân tặng công chúa Ngọc Hân-người vợ yêu dấu của vị Hoàng đế trẻ tuổi tài ba, đang chờ tin báo tiệp. Tiếp đến lần lượt các thiếu nữ dâng mâm cúng với các sản vật của địa phương.

Kết thúc phần lễ, tất cả mọi người cùng thành kính dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của Anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ cùng tướng lĩnh, chiến sĩ nghĩa quân Tây Sơn.

b8be954bdf9e60c0398f.jpg
Quang cảnh buổi lễ kỷ niệm. Ảnh: Đức Thụy

Lễ kỷ niệm 254 năm khởi nghĩa Nông dân Tây Sơn (1771-2025); 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2025) nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của cuộc khởi nghĩa Nông dân Tây Sơn; tưởng nhớ công lao to lớn của nhà Tây Sơn và các tướng sĩ nghĩa quân Tây Sơn; đặc biệt để ghi nhớ, tôn vinh sự nghiệp lẫy lừng của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ.

Cùng với đó là giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thúc đẩy công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương, gắn với phát triển du lịch của địa phương; đồng thời tạo điểm vui Xuân cho Nhân dân các địa phương phía Đông tỉnh.

Có thể bạn quan tâm