TN - Đất & Người

Gia Lai miền nhớ: Gặp người trong tấm ảnh xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Linh tính mách bảo chuyến đi này sẽ gặp người trong ảnh cũ, nên khi các bạn trẻ ở Pleiku gọi cùng họ xuống khảo sát làng Kueng Đơn, xã Hbông của huyện Chư Sê để ngày khai giảng năm học 2017-2018 cả nhóm về tặng quà cho các cháu học sinh ở làng này, tôi lục tìm và đem theo bức ảnh chụp một cô giáo trẻ và nhóm học sinh của cô cách nay 23 năm-1994, mà bấy lâu nhân vật chính trong ảnh bặt vô âm tín, dù đã có lần tôi nhờ người ở Chư Sê tìm hộ...

Làng Kueng Đơn nằm dọc theo hai bên quốc lộ 25, cách ngã ba Cheo Reo, thị trấn Chư Sê chừng hơn chục cây số với gần 200 hộ, trong đó có 65 hộ người Kinh, còn lại là hộ Jrai và Bahnar với gần 1.000 người. Đây là một trong những ngôi làng được dời lên từ vùng ngập lòng hồ thủy lợi Ayun Hạ-công trình được coi là lớn nhất Tây Nguyên, được quy hoạch và khảo sát, lập dự án từ ngay sau ngày miền Nam giải phóng. Nhưng tình hình khi ấy không cho phép địa phương triển khai thực hiện, cho nên mãi đến đầu năm 1990 mới bắt đầu động thổ. 4 năm sau thì chặn dòng. Hàng ngàn hộ đồng bào Bahnar, Jrai bao đời sống dọc đôi bờ sông phải rời làng đi nơi khác. Hàng ngàn ha ruộng vườn, cây trái, làng, thôn... chìm trong hơn 3.700 ha mặt nước. Sự “hy sinh” của bà con nơi đây là để làm sống dậy trên 13.500 ha đất vùng chảo lửa hạ lưu, biến chúng trở thành vùng lúa 2, 3 vụ mỗi năm...

 

Cô giáo Phạm Thị Diện (ngoài cùng bên phải) trong tấm ảnh được chụp cách đây 23 năm. Ảnh: B.H

Những ngày cuối năm 1993 và 1994, nhiệm vụ nặng nề của Đảng bộ, chính quyền huyện Chư Sê là tập trung lo công việc di dời dân ra khỏi vùng ngập của lòng hồ Ayun Hạ để kịp chặn dòng theo tiến độ của công trình. Tôi là một trong những người cùng ăn, cùng ở và cùng bà con vùng ngập dời làng. Ngoài việc ổn định nơi ăn ở, lo đất sản xuất cho hàng ngàn hộ bà con đã rời làng đến nơi ở mới, việc quan trọng nữa là lo chỗ học cho các cháu đang dở dang trường lớp. Những phòng học, điểm trường ở các làng mới nhanh chóng hình thành.

Cùng với cơ sở vật chất là lo điều động, phân công giáo viên đứng lớp, xuống các làng vận động bà con cho con em tiếp tục đến trường. Rất khó khăn nhưng dần dà rồi các cháu ở các làng mới tái lập cũng đã đến lớp tiếp tục sự học của mình. Nhưng giáo viên lúc bấy giờ đang thiếu trầm trọng, lại không dễ có nhiều thầy-cô giáo tự nguyện đến dạy ở những vùng khó khăn, bởi khi ấy không hề có một chính sách, chế độ ưu đãi, ưu tiên nào đối với giáo viên vùng khó khăn như bây giờ. Thế nhưng, với Hbông, xã mới thành lập khi di dời, tái định cư bà con từ lòng hồ thủy lợi Ayun Hạ lên, thì nhất thiết không thể để thiếu giáo viên. Một trong hàng chục thầy-cô giáo về với các em học sinh vùng đất mới này là một cô giáo trẻ.

Sau mấy cơn mưa đầu mùa, sáng hôm ấy trời lại nắng rất đẹp, tôi ghé vào một điểm trường vừa xây xong ở làng Tờ Nung, cạnh quốc lộ 25, xã Hbông. Mới chỉ có một lớp học chừng trên 10 em. Sau một lúc chuyện trò, thăm hỏi, tôi xin phép cô giáo được chụp một kiểu ảnh của cô trò. Thời gian bẵng đi, công việc ập đến, cũng không còn nhớ rõ “lai lịch” và “nhân vật chính” của bức ảnh ngày nào, cho đến khi có chuyến trở lại làng Kueng Đơn như đã nói ở trên.

Cô giáo Phạm Thị Diện nhận ngay ra người nữ trong ảnh cách nay 23 năm chính là mình. Những gì từ hồi ấy ùa về. Cô giáo Diện kể, từ Ninh Giang (Hải Dương), cô theo anh chị (khi đó đang là công nhân Nông trường Cà phê Ia Pát, huyện Chư Sê) vào và đi học cao đẳng sư phạm, ra trường cô được phân công về dạy ở Hbông. Xã mới, trường, lớp, thầy trò đều mới cả... Thế mà rồi mọi ngỡ ngàng buổi ban đầu cũng qua đi. Mãi đến giờ vẫn thế, cô vẫn đứng lớp ở vùng đất này, chỉ có khác là khi thì được phân công dạy ở điểm trường làng này, mấy năm sau thì làng khác, hiện tại cô đảm đương lớp 2 và 3, điểm trường Kueng Đơn. Cô bảo: “Nay em đã cập kề 50 rồi đấy anh nhé, 5-6 năm nữa là kết thúc nghề chăm trẻ, ở đây khó khổ lắm, nhưng ở với từng lớp, từng lớp các em học trò người Jrai, Bahnar mãi rồi cũng quen, thương chúng như con cháu của mình, khi về hưu chắc là nhớ chúng lắm. Nhanh thật, già thật rồi, 2 cháu nhà em cũng đã lớn hết rồi, một gái một trai anh ạ”.

Tại điểm trường Kueng Đơn, theo cô Diện thì năm nay có tổng số 67 em theo học các lớp Tiểu học. Những ngày tháng đầu sau khai giảng năm học mới, các cháu còn đi học khá đều, nhưng đến khi mùa thu hoạch, chúng theo cha mẹ đi ruộng đi nương, thầy-cô giáo, già làng, cán bộ đoàn thể ở làng, xã rất vất vả đi tìm, động viên chúng về với trường với lớp...  Kueng Đơn, một trong những làng quá nghèo của xã Hbông, tái định cư nhưng thiếu đất sản xuất, bà con phải quay về làng cũ, dù xa hàng chục cây số để tìm lại những vùng đất chưa ngập hoặc ven hồ Ayun Hạ để tận dụng sản xuất, tăng gia. Và thế là các cháu trong độ tuổi đến lớp cũng cất sách vở theo cha mẹ.

Anh Siu Gếch-Bí thư chi bộ làng Kueng Đơn cho hay, sự học của các cháu phụ thuộc nhiều vào đời sống bà con, hiện ở đây bà con còn nghèo quá, các cháu thiếu mọi bề, mọi thứ. “Nhìn các cháu đến lớp chiều nay, anh hiểu rồi còn gì?”-Siu Gếch nói với tôi như thế, khi chúng tôi tạm biệt làng vào cuối ngày khai giảng năm học mới 2017-2018...

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm