Kinh tế

Giá cả thị trường

Gia Lai mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định, từ nay đến Tết Nhâm Dần 2022, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Phương thức, thủ đoạn tinh vi

Trong 9 tháng năm 2021, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 2.128 vụ với 1.878 đối tượng (giảm 79 vụ so với cùng kỳ năm 2020); khởi tố hình sự 62 vụ với 64 đối tượng (giảm 2 vụ và tăng 27 đối tượng); xử phạt vi phạm hành chính 1.742 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 32,7 tỷ đồng (tăng 5,4 tỷ đồng). Trong các vụ phát hiện, bắt giữ và xử lý có 669 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 1.441 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 18 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là thuốc lá điếu, pháo nổ, phân bón, quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, thực phẩm, khoáng sản…

Lực lượng Quản lý Thị trường tịch thu nhiều bộ test Covid-19 nhập lậu. Ảnh: Vũ Thảo


Đại tá Dương Văn Long-Phó Giám đốc Công an tỉnh-cho biết: Các đối tượng buôn lậu, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn có những lúc hoạt động rất phức tạp. Nổi lên là các đối tượng khu vực biên giới cấu kết mua bán, gom các mặt hàng cấm như thuốc lá, pháo nổ rồi tìm cách vận chuyển về nội địa. Các đối tượng thường tập kết hàng rải rác ở khu vực hành lang biên giới. Nhằm tránh xử lý hình sự, các đối tượng phân chia nhỏ để vận chuyển.

Ông Lê Hồng Hà-Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh-cho hay: Các đối tượng sử dụng xe ô tô, xe máy hoặc mang vác, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Thời điểm vận chuyển thường vào ban đêm. Trước khi vận chuyển, các đối tượng thường phân công cảnh giới, theo dõi lực lượng chức năng, nếu bị truy đuổi thì vứt bỏ phương tiện, tang vật để chạy trốn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Một số đối tượng còn nhập hàng từ các tỉnh về qua xe vận chuyển hành khách, dịch vụ bưu chính. “Bên cạnh đó, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng lợi dụng các website, trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... để rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều mặt hàng giả mạo, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng. Ngoài ra, một số cửa hàng kinh doanh tạp hóa nhỏ lẻ tại các khu vực nông thôn, hộ kinh doanh thường trưng bày lẫn lộn hàng giả, hàng thật với nhau để đánh lừa người tiêu dùng”-ông Hà thông tin thêm.

Kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Những tháng cuối năm, Sở Công thương tăng cường phối hợp với Cục Quản lý Thị trường cũng như các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đẩy mạnh các hoạt động phòng-chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Ngành sẽ có những kế hoạch đấu tranh chuyên đề, trong đó tập trung vào các mặt hàng như: xăng dầu, phân bón, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Cùng với đó, Sở tiếp tục theo dõi diễn biến của thị trường để triển khai các biện pháp đảm bảo bình ổn cung cầu, nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Sơn Ca


Theo Đại tá Trần Thanh Bình-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, từ nay đến cuối năm, việc buôn bán, vận chuyển 2 mặt hàng thuốc lá lậu và pháo nổ sẽ có những diễn biến phức tạp. Bộ đội Biên phòng sẽ phối hợp với các lực lượng tăng cường an ninh tại chốt trong phòng-chống dịch Covid-19, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát tại địa bàn trọng điểm như khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở; kiểm tra, kiểm soát xuất-nhập cảnh, phương tiện và người từ nội địa vào khu vực biên giới để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vi phạm.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành-Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các ngành và chính quyền địa phương cần tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nhà sản xuất trong nước; tập trung tuyên truyền, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, lấy đây là tiêu chí hành động vì thương hiệu Việt. Cùng với đó, các lực lượng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát thị trường để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm đối với những mặt hàng ảnh hưởng đến nền kinh tế, chất lượng đời sống của người dân.

 

 VŨ THẢO - SƠN CA

Có thể bạn quan tâm