Kinh tế

Gia Lai: Mưa đầu mùa giải hạn cho cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau thời gian nắng nóng kéo dài, những ngày gần đây trên địa bàn các huyện Mang Yang, Đak Đoa, Chư Păh, Kbang và TP. Pleiku đã xuất hiện những cơn mưa lớn và kéo dài. Đây có thể nói là “cơn mưa vàng” bởi nó không chỉ giải hạn cho hàng trăm ha cây trồng đang khát nước mà nó còn giúp cho người nông dân tiết kiệm được một khoản chi phí tưới nước.

Vào khoảng 15 giờ, ngày 12-4, trên địa bàn huyện Đak Đoa xuất hiện cơn mưa đầu mùa kéo dài khoảng 1 giờ đã giải khát cho cây trồng và khí hậu trở nên mát mẻ. Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Cơn mưa đã giải nhiệt cho các loại cây trồng, đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày và cây lúa nước. Trận mưa đã cung cấp lượng nước bằng một đợt tưới cho cây cà phê, cây ăn quả của người dân nên đã giúp người nông dân giảm bớt chi phí đầu tư. Ngoài ra, trận mưa cũng giúp cho hàng trăm ha lúa của người dân các xã Ia Băng, Ia Pết, Adơk, Glar, Trang... đang trong giai đoạn trổ đòng được giải hạn. “Tuy nhiên, trong cơn mưa chiều qua tại các xã Hải Yang, Kdang, Trang và Đak Krong có kèm theo gió lốc xoáy mạnh ở một số khu vực gây một số thiệt hại. Cụ thể, 0,5 ha chanh dây đang kinh doanh bị ngã đổ hư hỏng; 14 căn nhà kiên cố, bán kiên cố, đơn sơ, công trình phụ trợ bị tốc mái hư hại một phần thiệt hại dưới 30% và 8 phòng học của Trường Tiểu học Đak Krong (xã Đak Krong) bị tốc mái hư hỏng; 1 trung tâm học tập cộng đồng bị tốc 3 mái của 3 phòng gây thiệt hại lớn. Ước tổng thiệt hại khoảng 940 triệu đồng. Ngay sau khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm tra và phối hợp cùng người dân, huy động lực lượng Đội xung kích phòng-chống thiên tai và lực lượng khác cùng hỗ trợ giúp dân khắc phục lại các công trình bị hư hỏng và đang hoàn chỉnh hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ kinh phí khắc phục sửa chữa để ổn định công tác học tập và sinh hoạt của Nhân dân”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.

Tương tự, tại huyện Ia Grai mưa lớn trên diện rộng đã giúp cây trồng giải nhiệt. Ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai cho biết: Chiều 12-4,một số địa phương trên địa bàn huyện đã xuất hiện mưa cục bộ và giải quyết được một phần nào về nguồn nước tưới cho cây trồng trong thời điểm nắng nóng như hiện nay. Cơn mưa giúp cho mát đất, mát cây đối với những vùng không có thủy lợi rất là tốt, nhất là đối với cây lúa đang chuẩn bị trổ bông đã đảm bảo nguồn nước cho cây phát triển. Còn đối với cây dài ngày, nhất là cây cà phê lượng mưa cũng bằng một đợt tưới nên người dân giảm được rất nhiều chi phí. “Trước đó, cuối tháng 3, trên địa bàn một số xã Ia Sao, Ia Hrung, Ia Yok cũng xuất hiện cơn mưa khá nặng hạt và kéo dài đã giúp hàng trăm ha cà phê của người dân nơi đây được giải hạn”-ông Thắm thông tin thêm.

Mưa lớn giúp cây trồng trên địa bàn huyện Ia Grai được giải nhiệt. Ảnh: Lê Nam

Mưa lớn giúp cây trồng trên địa bàn huyện Ia Grai được giải nhiệt. Ảnh: Lê Nam

Còn theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh Nguyễn Công Sơn: thời gian qua, trên địa bàn huyện đã xuất hiện mưa trải đều ở các xã, thị trấn. Điều này góp phần “giải hạn” cho cây trồng, giúp nông dân tiết kiệm được khá nhiều chi phí đầu tư tưới nước, công lao động, thậm chí nhiều nơi đang có nguy cơ thiếu nước tưới gặp cơn mưa này đã giúp cây trồng phát triển trở lại. Đặc biệt, trận mưa này góp phần giảm được áp lực về nguy cơ xảy ra cháy rừng trong mùa khô năm nay.

Mưa lớn tại xã Ia Khươl, huyện Chư Păh

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Huấn-Trưởng phòng Dự Báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên-cho biết: Ngày 12-4, qua theo dõi trên ảnh ra đa thời tiết Pleiku, ảnh mây vệ tinh và định vị sét cho thấy những vùng mây đối lưu tồn tại trên khu vực các huyện Kbang, Chư Păh, Đak Đoa, Mang Yang, Chư Sê, Chư Prông, Ia Pa, thị xã Ayun Pa. Đến chiều cùng ngày đã xuất hiện mưa và dông cục bộ ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh. Lượng mưa đo được tại các trạm khu vực huyện Ia Grai 3,6-35mm, Đak Đoa 0,6-15,8 mm, Chư Prông 0,8-39,8 mm, Chư Pưh 0,6-4,2 mm, Chư Păh, Chư Sê 3,6-34,2 mm, Mang Yang 0,2 mm, Ia Pa 1,4 mm, Phú Thiện 0,4 mm, Krông Pa 0,2-8,4 mm, thị xã Ayun Pa 0,2 và TP. Pleiku 5-23,8 mm. Trước đó, từ cuối tháng 3, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số cơn mưa dông cục bộ ở nhiều nơi.

“Dự báo trong tháng 4 nhiệt độ trung bình có xu hướng xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Xu thế lượng mưa xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đặc biệt, trong tháng 4 cũng cảnh báo thời tiết nguy hiểm đó là nắng nóng xuất hiện tại các huyện phía Đông nam tỉnh; mưa dông xuất hiện nhiều hơn về chiều tối, trong mưa dông thường kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng... nên người dân cần cẩn thận và chủ động đề phòng”-Trưởng phòng Dự Báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm