(GLO)- Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang là bài toán nan giải đối với tỉnh Gia Lai. Tại một số cơ sở giáo dục, áp lực đè nặng lên đội ngũ trực tiếp đứng lớp khiến chất lượng dạy và học bị ảnh hưởng.
Thiếu giáo viên trầm trọng
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 714 trường mầm non và phổ thông công lập với 11.683 lớp và 392.025 học sinh. Tổng số viên chức trong biên chế là 19.040 người, trong đó có 1.770 cán bộ quản lý, 16.040 giáo viên và 1.230 nhân viên. So với thực trạng trường lớp hiện có và định mức quy định của Bộ GD-ĐT, toàn tỉnh đang thiếu khoảng 3.721 giáo viên. Cụ thể, bậc mầm non thiếu 1.637, tiểu học thiếu 986, THCS thiếu 726 và THPT thiếu 372 chỉ tiêu. Đặc biệt, 8 trường THPT hiện không có giáo viên môn Giáo dục công dân, 5 trường THPT không có giáo viên môn Giáo dục quốc phòng. Một số đơn vị có tỷ lệ giáo viên/lớp rất thấp nên không thể phân công giảng dạy.
Ngoài ra, toàn tỉnh thiếu 1.272 nhân viên trường học. Đáng chú ý, 318 trường hiện không có kế toán. Một số huyện như: Chư Sê, Chư Prông, Ia Grai, Đức Cơ... có 3-4 trường THPT nhưng chỉ có 1 kế toán biên chế. Cá biệt, huyện Chư Pưh không có nhân viên kế toán trường THPT. Trên thực tế, nếu thiếu nhân viên kế toán sẽ không thể thực hiện các chế độ; thu, chi các khoản kinh phí xã hội hóa; tính toán, chi trả kinh phí phục vụ toàn bộ hoạt động của nhà trường.
Bậc học mầm non hiện đang thiếu nhiều giáo viên nhất với 1.637 chỉ tiêu (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Hồng Thi |
Năm học 2021-2022, Trường THPT A Sanh (huyện Ia Grai) có 22 lớp với 1.010 học sinh. Theo định mức quy định của Bộ GD-ĐT, nhà trường cần khoảng 50 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tuy nhiên, hiện nay, tổng số biên chế nhà trường được giao là 25, trong đó có 3 cán bộ quản lý, 1 nhân viên thư viện và 21 giáo viên; không có nhân viên văn thư, kế toán. “Từ năm học 2018-2019 đến nay, nhà trường không được bổ sung thêm biên chế mà còn bị cắt giảm, trong khi tăng thêm 4 lớp. Môn Giáo dục quốc phòng không có giáo viên; môn Tin học thiếu cục bộ vì chỉ có 2 giáo viên. Ngoài chương trình, 2 giáo viên Tin học còn phải đảm nhận dạy nghề cho học sinh lớp 11. Số lượng giáo viên của trường cũng không đủ để làm công tác chủ nhiệm nên chúng tôi phải tính đến phương án phân công Ban Giám hiệu cùng đảm nhận”-Hiệu trưởng Nguyễn Thành Danh thông tin.
Ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: “Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề nghị Trung ương bổ sung biên chế hoặc cho phép hợp đồng lao động đối với số giáo viên còn thiếu theo mức tối thiểu để duy trì việc dạy và học. Cùng với đó, từ năm học 2022-2023, ngành sẽ thí điểm thực hiện việc giao tự chủ một phần kinh phí, nhân sự cho các trường ở vùng có điều kiện thuận lợi, phấn đấu đến năm học 2024-2025 giảm 10% tổng kinh phí sự nghiệp và biên chế viên chức để dành nguồn lực đầu tư cho các trường ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa”. |
Trường Tiểu học và THCS Anh Hùng Wừu (xã Gào, TP. Pleiku) cũng đang gặp khó khăn tương tự. Thầy Đỗ Đình Thiên-Hiệu trưởng nhà trường-thông tin: “Trường có 12 lớp tiểu học và 5 lớp THCS với 456 học sinh. Hiện tại, nhà trường thiếu 9 giáo viên ở cả 2 bậc học, trong đó có 6 chỉ tiêu hợp đồng trong biên chế và 3 chỉ tiêu phải hợp đồng ngoài biên chế được giao. Chúng tôi đã có tờ trình gửi Phòng GD-ĐT thành phố và đang đợi ý kiến từ cấp trên”.
Trường THPT A Sanh (huyện Ia Grai) không có giáo viên Giáo dục quốc phòng nên môn học này do giáo viên biệt phái giảng dạy. Ảnh: Hồng Thi |
Không riêng Trường Tiểu học và THCS Anh Hùng Wừu, hầu hết cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Pleiku đều đang chật vật trong tình cảnh thiếu giáo viên. Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku Nguyễn Đình Thức cho hay: Năm học 2021-2022, thành phố có 66 trường công lập với 1.343 lớp/50.868 học sinh (tăng 33 lớp, 1.081 học sinh so với năm học trước). Theo quyết định của UBND thành phố, tổng số biên chế được giao là 2.224 chỉ tiêu (mầm non 375, tiểu học 1.025, THCS 824), trong đó có 1.899 giáo viên. Thế nhưng nhu cầu giáo viên theo định mức vẫn thiếu khoảng 418 người, nhân viên thiếu 103 người. Để đảm bảo bố trí đủ giáo viên đứng lớp, UBND thành phố đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh và các sở liên quan xem xét cho ý kiến việc hợp đồng 188 giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao (định mức tối thiểu) gồm: 64 giáo viên mầm non, 83 giáo viên tiểu học và 41 giáo viên THCS. Về kinh phí hợp đồng, thành phố sẽ tự bố trí cân đối từ nguồn ngân sách năm 2021 và 2022 của địa phương. Đến nay, tỉnh vẫn chưa cho chủ trương về vấn đề này.
Lý giải về nguyên nhân thiếu hụt giáo viên và nhân viên, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định phân tích: Từ năm 2015 đến năm 2021, tổng số học sinh ở các bậc học tăng 43.087 em nhưng biên chế giáo viên không được bổ sung đủ mà vẫn phải tiếp tục thực hiện cắt giảm hàng năm theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Mặc dù địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: kiện toàn, sắp xếp mạng lưới trường lớp, điều tiết thừa-thiếu cục bộ, cắt chuyển biên chế sự nghiệp từ các khu vực khác sang nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu giáo viên ở mức tối thiểu để duy trì việc dạy và học. Bên cạnh đó, những năm gần đây, tỉnh đã tạm dừng tuyển dụng đội ngũ nhân viên trường học. Nếu thành lập mới trường học hoặc có người nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác... cũng không được tuyển bổ sung đội ngũ này.
Cũng theo ông Định, Bộ Nội vụ chỉ cho phép hợp đồng lao động giáo viên còn thiếu trong phạm vi biên chế được cấp thẩm quyền giao chưa sử dụng. Do đó, mặc dù các trường có nhu cầu, địa phương tự cân đối được kinh phí nhưng không thể hợp đồng giáo viên còn thiếu ngoài chỉ tiêu được giao.
Linh hoạt khắc phục khó khăn
Năm học 2021-2022, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bậc mầm non và tiểu học phải học 2 buổi/ngày; môn Tiếng Anh và Tin học bậc tiểu học là bắt buộc; đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình thay sách giáo khoa mới lớp 2 và lớp 6 nên nhu cầu bổ sung biên chế giáo viên càng trở nên cấp bách. Trong khi chờ Trung ương bổ sung biên chế cho tỉnh, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Sở GD-ĐT đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Theo đó, linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có; điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục bảo đảm hợp lý, sử dụng tối đa biên chế được giao; có lộ trình cụ thể, phù hợp để bố trí đủ giáo viên cho những trường, môn học còn thiếu. Trong đó, ưu tiên cho những khối lớp triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; có kế hoạch bồi dưỡng, ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, THCS theo kế hoạch; sáp nhập các trường có quy mô nhỏ trên cùng địa bàn xã hoặc trên 1 trục đường; đẩy mạnh việc nhập lớp, giảm điểm trường, điều chỉnh quy mô lớp học hợp lý, bảo đảm sĩ số học sinh tối đa trên 1 lớp đối với từng bậc học; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Hiệu trưởng Trường THPT A Sanh nói: “Trước khó khăn của trường, Sở GD-ĐT đã điều động, biệt phái 18 giáo viên thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai và một số trường ở TP. Pleiku về giảng dạy. Thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT, Ban Giám hiệu nhà trường đã cố gắng tối đa hóa nguồn lực sẵn có và hài hòa trong sử dụng giáo viên biệt phái để duy trì chất lượng dạy-học”.
Cô Phạm Thị Thanh Hà-giảng viên chuyên ngành Triết học (Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai) chia sẻ: “Tôi được biệt phái về Trường THPT A Sanh giảng dạy môn Giáo dục công dân từ ngày 6-9. Mỗi tuần, tôi lên lớp 13 tiết và làm công tác chủ nhiệm 4 tiết. Tôi sẽ cố gắng giúp học sinh lĩnh hội kiến thức một cách tốt nhất và cùng với nhà trường hoàn thành nhiệm vụ năm học”.
Mặc dù phải dạy tăng tiết do thiếu giáo viên nhưng cô Bleng-giáo viên Trường THCS và THPT Kpă Klơng (huyện Mang Yang) vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ảnh: Hồng Thi |
Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, nhiều cơ sở giáo dục đã phân công và động viên giáo viên tăng tiết dạy. Tại Trường THCS và THPT Kpă Klơng (huyện Mang Yang), tất cả giáo viên bậc THPT đều tham gia giảng dạy học sinh THCS. Thay vì lên lớp 17 tiết, giờ đây, họ phải tăng lên 19, thậm chí đến 25 tiết/tuần. “Mỗi tuần, tôi phải soạn đến 10 giáo án khác nhau ở cả 2 môn Sinh học và Công nghệ cho cả 2 bậc học. Thế nhưng, thời gian để đầu tư cho việc soạn giảng khá hạn chế vì hầu như ngày nào tôi cũng dạy kín tiết. Có lúc cảm thấy áp lực lắm nhưng vì yêu nghề, nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp “trồng người”, tôi lại cố gắng để cùng toàn trường vượt qua khó khăn chung”-cô Bleng bày tỏ.
Có thể thấy, với thực trạng trường lớp, biên chế như hiện nay, nếu không bổ sung kịp thời biên chế, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là thiếu đội ngũ để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
HỒNG THI