Chính trị

Tin tức

Gia Lai: Nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội. Thời gian qua, đặc biệt là sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và phát huy vai trò của giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp đã hướng hoạt động về cơ sở, tổ chức các hoạt động giám sát những vấn đề khó khăn, vướng mắc của cơ sở, nhất là các vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Trong đó, hoạt động giám sát tập trung vào các vấn đề như: việc thực hiện chính sách với người có công; thực hiện các quy định về đảm bảo kinh phí hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội, nhất là cấp xã theo Quyết định số 20/2015/QĐ-UBND ngày 7-9-2015 của UBND tỉnh về việc quy định chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách, các tổ chức chính trị-xã hội ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; về đạo đức lối sống, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; việc cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; việc thực hiện bảo hiểm y tế đối với trẻ em dưới 6 tuổi, hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi; việc xây dựng nông thôn mới; xóa đói giảm nghèo; thực hiện bình đẳng giới; thực hiện pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động trong các doanh nghiệp; việc sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, gia cầm; chăm sóc sức khỏe cho nhân dân…

 

Bộ phận “một cửa hiện đại” tại Văn phòng HĐND-UBND TP. Pleiku. Ảnh: T.N
Bộ phận “một cửa hiện đại” tại Văn phòng HĐND-UBND TP. Pleiku. Ảnh: T.N

Từ năm 2015 đến nay, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp đã tổ chức hơn 800 lượt đoàn giám sát tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức 519 lượt đoàn giám sát (trong đó, cấp tỉnh 7 đoàn; cấp huyện 68 đoàn; cấp xã 444 đoàn); thành lập 260 lượt đoàn giám sát về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội tại 3 doanh nghiệp; giám sát việc chi trả bảo hiểm y tế tại 1 đơn vị. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại 2 huyện; Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện tổ chức giám sát tại 34 xã, phường, thị trấn. Hội Nông dân tỉnh tổ chức 2 đoàn giám sát vật tư nông nghiệp tại 2 huyện Chư Pah và Kbang. Qua giám sát, nhìn chung các đơn vị, địa phương đã tổ chức thực hiện các nội dung giám sát đảm bảo theo đúng quy định.

Cùng với việc giám sát, công tác phản biện xã hội cũng được tích cực thực hiện. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp tích cực tham gia nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với các dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia các dự thảo luật của Quốc hội, văn kiện đại hội Đảng các cấp; nghị quyết HĐND cùng cấp và các dự thảo quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của UBND cùng cấp khi được yêu cầu. Điển hình như: tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia dự thảo Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)... Đặc biệt, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020; giới thiệu, hiệp thương nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; phối hợp tổ chức để các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử. Đã tổ chức 3.494 cuộc tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp với 222.614 lượt cử tri tham dự, 12.812 lượt ý kiến tham gia đóng góp về các vấn đề xã hội. Nội dung, quy trình và quyền, trách nhiệm phản biện xã hội được thực hiện đảm bảo theo quy định.

Nhìn chung, việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin và mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Trong thời gian tới, MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh sẽ phát huy vai trò của mình, triển khai có hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngọc Hải

Có thể bạn quan tâm