Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

Gia Lai nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ra Quyết định số 1338-QĐ/TU ngày 31-5-2010 ban hành Quy chế công tác dân vận (CTDV) của hệ thống chính trị và gần đây là Quyết định số 400-QĐ/TU ngày 22-11-2021 (thay thế Quyết định số 1338-QĐ/TU). Theo đó, cấp ủy Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện CTDV đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Những kết quả quan trọng

Thời gian qua, các cơ quan Đảng, cấp ủy, tổ chức Đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản thực hiện CTDV, dân tộc, tôn giáo và quy chế dân chủ ở cơ sở; kịp thời sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận của Đảng về CTDV. Chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM), nhất là xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, toàn tỉnh có 3 địa phương cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 91 xã và 118 thôn, làng đạt chuẩn NTM (gồm 104 làng đồng bào DTTS); đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, đấu tranh phòng-chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Kịp thời triển khai nhiều biện pháp trong công tác phòng-chống dịch Covid-19.

Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân. Trong 5 năm qua, cấp ủy các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức được 1.330 cuộc tiếp xúc, đối thoại với 127.225 lượt người tham dự, có 10.350 lượt ý kiến tham gia, trong đó có 8.797 ý kiến được giải đáp trực tiếp ngay tại hội nghị (chiếm khoảng 85%), 15% lượt ý kiến được các cơ quan, đơn vị nghiên cứu trả lời bằng văn bản theo thẩm quyền. Qua đó, giải quyết tốt nhiều vụ việc nổi lên ở địa phương, được người dân đánh giá cao.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Võ Thanh Hùng trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân vận trên địa bàn tỉnh năm 2022. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Võ Thanh Hùng trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân vận trên địa bàn tỉnh năm 2022. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, đến nay, toàn tỉnh thành lập 118 nông hội với tổng số 3.507 thành viên, trong đó có 1.247 thành viên là người DTTS; có 462 đảng viên, 213 cán bộ, công chức cấp xã; 348 cán bộ thôn; 17 hộ kinh doanh. Các nông hội đã phát huy hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, toàn tỉnh có 588 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Quan tâm lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ hệ thống dân vận, MTTQ, đoàn thể chính trị-xã hội các cấp. Lãnh đạo định hướng nội dung hoạt động và thực hiện tốt chế độ giao ban định kỳ giữa thường trực cấp ủy với MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội.

Các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp kịp thời cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về CTDV bằng các quyết định, chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện.

Tại các kỳ họp, HĐND các cấp đã thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, những vấn đề khó khăn, vướng mắc, qua đó yêu cầu các ngành, địa phương tháo gỡ kịp thời. Các nghị quyết HĐND ban hành đã đi vào cuộc sống và được người dân đồng tình, hưởng ứng. Công tác tiếp xúc cử tri, các đợt giám sát, khảo sát của HĐND các cấp được triển khai tập trung vào những vấn đề người dân quan tâm. Triển khai tốt việc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp, qua đó đã tổng hợp trên 37 ngàn lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan liên quan trả lời, giải quyết. Việc tiếp nhận, xử lý, theo dõi, đôn đốc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo ngày càng chặt chẽ. Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại các kỳ họp ngày càng thực chất và hiệu quả.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 18-7-2017 về tăng cường CTDV trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp giai đoạn 2017-2021; UBND các cấp ban hành kế hoạch thực hiện CTDV chính quyền hàng năm; phân công đồng chí chủ tịch UBND phụ trách CTDV. Triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng-chống dịch Covid-19”; tập trung nguồn lực xây dựng NTM; triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, tạo việc làm cho người lao động; nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo; công tác khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân được quan tâm; thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác dân tộc, công tác tôn giáo.

Các sở, ngành của tỉnh luôn nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ảnh: Hà Duy

Các sở, ngành của tỉnh luôn nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ảnh: Hà Duy

Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, đúng thẩm quyền và kịp thời; số lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo ngày càng giảm. Công tác phối hợp giữa chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội từng bước được nâng lên, đem lại hiệu quả. Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, thường xuyên rà soát, đánh giá và thực hiện các quy định về đơn giản hóa thủ tục hành chính. 2.063/2.063 bộ thủ tục hành chính của tỉnh được cung cấp qua dịch vụ công trực tuyến. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2021 của tỉnh đứng thứ 26 toàn quốc, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên, tăng 12 bậc so với năm 2020.

Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường tiếp xúc, đối thoại, vận động, thuyết phục trong giải quyết các vụ việc phát sinh với tinh thần cầu thị, tôn trọng ý kiến của người dân; đẩy mạnh phòng-chống tiêu cực trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; thực hiện có hiệu quả phương châm “Hàng tuần có 4 ngày làm việc ở cơ quan, 1 ngày làm việc ở cơ sở” với tổng số 6.152 lượt đi cơ sở. Các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động triển khai đạt được kết quả tích cực. Công tác chuẩn bị nội dung, nhân sự, tổ chức đại hội nhiệm kỳ; công tác củng cố tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ được chú trọng; đa dạng hóa hình thức tập hợp quần chúng vào tổ chức; thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân; triển khai hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở thôn, làng, khu dân cư. Thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đến nay, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã tổ chức 525 lượt đoàn giám sát xã hội, 262 lượt đoàn giám sát chuyên đề; đồng thời, tổng hợp chuyển hơn 1 ngàn lượt ý kiến góp ý của đoàn viên, hội viên đến các cơ quan chức năng; tích cực tham gia góp ý vào các dự thảo nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy chế, quy định, kết luận của Đảng có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và người dân.

Hệ thống cơ quan ban dân vận các cấp trong tỉnh đã tích cực, chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cấp ủy ban hành nhiều văn bản về CTDV; tham mưu, đề xuất cấp ủy các chủ trương, giải pháp về CTDV sát với tình hình địa phương; tham mưu tốt việc sơ kết, tổng kết, hội nghị chuyên đề về CTDV. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ CTDV ngày càng hiệu quả. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra và theo dõi, tổng hợp tình hình Nhân dân để báo cáo và tham mưu cấp ủy chỉ đạo.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả CTDV

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả CTDV, trong thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy đề xuất một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Quy chế CTDV của hệ thống chính trị tỉnh và các văn bản của Đảng, Nhà nước về CTDV nhằm không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên đối với việc thực hiện CTDV, trong đó, Đảng lãnh đạo trực tiếp CTDV; các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thực hiện hiệu quả CTDV; nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu đối với CTDV; thường xuyên học tập, quán triệt tư tưởng, đạo đức và thực hiện phong cách dân vận trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với CTDV; quán triệt và thực hiện tốt quan điểm “lấy dân làm gốc”, chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của người dân. Từng bước khắc phục tình trạng tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội ở một số nơi còn yếu kém, phối hợp thiếu chặt chẽ, chưa làm tốt CTDV.

Ba là, các tổ chức trong hệ thống chính trị thường xuyên bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình để có chủ trương, biện pháp nâng cao đời sống, phát huy nguồn lực và quyền làm chủ của người dân; giải quyết có hiệu quả những nhu cầu chính đáng của Nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, đền bù, thu hồi đất đai, chính sách dân tộc, tôn giáo.

Bốn là, tăng cường CTDV của các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước, nhất là phát huy tốt hơn nữa vai trò của người đứng đầu địa phương, đơn vị; đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới quản lý, điều hành của chính quyền các cấp theo hướng công khai, dân chủ, thân thiện và gần dân; giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân và những bức xúc của người dân.

Năm là, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, hội quần chúng tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút quần chúng vào tổ chức, xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động, tích cực vận động các nguồn lực và chia sẻ, hỗ trợ đoàn viên, hội viên, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; phát huy tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Sáu là, đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ ban dân vận, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội; xây dựng, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”, mô hình nông hội. Chú trọng kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về CTDV.

Có thể bạn quan tâm