Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Gia Lai nâng cao hiệu quả công tác quốc phòng, quân sự địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 13-12, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng, quân sự địa phương năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm tiếp theo. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có Đại tá Lê Kim Giàu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H'Bút; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và các huyện, thị xã, thành phố.

Những kết quả tích cực

Báo cáo tại hội nghị, Đại tá Lê Trọng Thủy-Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-cho biết: Nhờ quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” nên công tác quốc phòng, quân sự địa phương đạt được những kết quả tích cực. Các địa phương, đơn vị đã triển khai toàn diện công tác quốc phòng, quân sự theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kết hợp chặt chẽ các biện pháp xây dựng và bảo vệ tiềm lực quốc phòng của địa phương. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân. Ảnh: Vĩnh Hoàng


Bên cạnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự tỉnh và UBND tỉnh, lực lượng vũ trang tỉnh luôn duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị của đất nước và của tỉnh. Năm 2022, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các cấp đã thực hiện tốt công tác tuyển chọn gọi 2.656 công dân nhập ngũ, đạt 100% chỉ tiêu; đăng ký hơn 13 ngàn công dân độ tuổi 17 vào nguồn chuẩn bị cho công tác giao quân. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị đã rà soát, phúc tra đăng ký quân nhân dự bị đúng quy định; sắp xếp, biên chế, bổ nhiệm vào các đơn vị dự bị động viên đạt 99,68%; phương tiện kỹ thuật đạt 98,7%.

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đúng quy định. Đến nay, tỷ lệ dân quân tự vệ đạt 1,35% so với dân số toàn tỉnh. Cùng với đó, tỉnh đã làm tốt công tác sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã (bổ nhiệm 500 đồng chí, đạt 96,15%). Đến nay, toàn tỉnh có 220/220 chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn; tỷ lệ chi bộ có chi ủy đạt 100%. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã kết nạp 288 đảng viên mới trong lực lượng vũ trang, đạt 100% kế hoạch. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương, đơn vị quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa 23 nhà làm việc riêng cho Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã với tổng kinh phí 13,7 tỷ đồng. Thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã thành lập Đại đội dân quân pháo 76,2 mm tại huyện Đức Cơ và Đại đội dân quân pháo phòng không 37 mm tại huyện Ia Grai.

Cũng trong năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương duy trì tốt mối quan hệ truyền thống với 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia; chi hơn 2,1 tỷ đồng mua vật tư, trang-thiết bị y tế giúp bạn phòng-chống dịch Covid-19 và hỗ trợ đơn vị bạn xây dựng nhà làm việc, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai bên.

Tập trung triển khai nhiều giải pháp

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chư Prông Từ Ngọc Thông nêu ý kiến: Năm 2022, huyện đã hoàn thành tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Là huyện biên giới nên địa bàn huyện còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Vì vậy, năm 2023, huyện sẽ tăng cường chỉ đạo lực lượng vũ trang nâng cao vai trò, trách nhiệm và khả năng sẵn sàng chiến đấu. “Một trong những nét nổi bật mà huyện Chư Prông đã thực hiện trong thời gian qua là huy động lực lượng dân quân tham gia các tổ, chốt tuần tra, bảo vệ rừng; phối hợp với lực lượng Biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc. Chính vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì mô hình này. Để hoàn thành công tác quốc phòng, quân sự địa phương thì vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương hết sức quan trọng. Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường chỉ đạo, tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân”-Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chư Prông cho biết.

Nữ dân quân tự vệ huyện Đak Pơ huấn luyện trên thao trường. Ảnh: Vĩnh Hoàng


Về công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, Chủ tịch UBND huyện Kbang Nguyễn Văn Dũng cho rằng: Đến nay, huyện đã xây dựng được hơn 9 ngàn quân nhân dự bị động viên; đã biên chế, sắp xếp, bổ nhiệm quân nhân dự bị động viên vào các đơn vị dự bị động viên đạt hơn 99%. Thời gian tới, huyện sẽ thực hiện có hiệu quả chính sách “ngụ binh ư nông”; lực lượng này bình thường sẽ tham gia lao động sản xuất, nhưng khi có tình huống xảy ra, họ sẽ cầm súng, bảo vệ địa bàn, bảo vệ quê hương. Chính vì thế, cần tập trung huấn luyện, nâng cao trình độ, khả năng chiến đấu cũng như bồi dưỡng chính trị để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, đến năm 2025, huyện sẽ tập trung hoàn thành việc xây dựng trụ sở làm việc cho Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã.
 

Dịp này, Quân khu 5 đã tặng cờ thi đua cho 2 đơn vị, công nhận 13 đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, 14 chiến sĩ thi đua, 9 chiến sĩ tiên tiến; UBND tỉnh tặng cờ thi đua cho 4 đơn vị; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 3 tập thể và 15 cá nhân. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khen thưởng 18 tập thể và 96 cá nhân đạt nhiều thành tích trong công tác quốc phòng, quân sự địa phương năm 2022.

Nhiệm vụ quan trọng trong năm 2023 là công tác giao quân phải đảm bảo đủ 100% chỉ tiêu. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện Trịnh Văn Sang nêu giải pháp: Hiện nay, chúng ta đang khám tuyển, xét duyệt về lý lịch chính trị và sức khỏe công dân nhập ngũ. Tuy nhiên, khó khăn là nhiều thanh niên đi làm ăn xa về khám tuyển xong, từ khi có kết quả trúng tuyển đến lúc lên đường làm nghĩa vụ là khoảng thời gian khá dài. Chính vì thế, quản lý những công dân này như thế nào là điều cần bàn. Nếu quản lý không tốt thì công dân có thể đi làm ăn xa, đến ngày gọi về địa phương sẽ rất khó khăn. Do đó, chúng ta cần phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, của gia đình, dòng họ, các tổ chức đoàn thể để động viên những công dân này chấp hành đúng quy định, nếu làm tốt thì công tác giao quân sẽ thuận lợi.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long cho rằng: Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác quốc phòng, quân sự địa phương đã đạt được những kết quả khả quan. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; thế trận quốc phòng toàn dân, biên phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc đã tạo tiền đề cho kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, công tác quốc phòng, quân sự địa phương vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh, văn bản của cấp trên về công tác quốc phòng, quân sự địa phương; kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra những giải pháp cụ thể. Các lực lượng cần tăng cường dự báo, nắm tình hình, quyết tâm không để xảy ra điểm nóng; tập trung giữ vững an ninh trên tuyến biên giới. Cùng với đó, các lực lượng cần tham mưu cho địa phương xây dựng khu vực phòng thủ, củng cố tiềm lực quốc phòng. Sở Tài nguyên và Môi trường cần chủ động tham mưu, hướng dẫn các địa phương quản lý đất quốc phòng, đất thao trường; cấp sổ đỏ quản lý cho các đơn vị.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các công trình quân sự mà nguồn vốn đã được bố trí, không được để chậm tiến độ. Ủy ban nhân dân cấp huyện cần rà soát, bổ nhiệm Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã; tập trung làm tốt công tác xét duyệt chất lượng chính trị, sức khỏe để hoàn thành chỉ tiêu giao quân năm 2023. Chúng ta cũng cần nỗ lực khắc phục các hạn chế đã nêu để những vấn đề này không còn tồn tại trong năm 2023; làm tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương để thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển, nâng cao đời sống người dân”.

 

VĨNH HOÀNG
 

Có thể bạn quan tâm