Kinh tế

Giá cả thị trường

Gia Lai: Nâng cao tỷ trọng ngành dịch vụ để phát triển nhanh, bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 35,4%. Các ngành và địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ trọng ngành dịch vụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,76%

Trong giai đoạn 2015-2020, ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá, bình quân hàng năm đạt 8,76%. Hiện tại, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng 34,51% trong cơ cấu kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2020 ước đạt 75.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,97 lần so với năm 2015. Trong đó, thương nghiệp ước đạt gần 61.691 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 82,25%; dịch vụ lưu trú ước đạt hơn 125 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,17%; dịch vụ ăn uống đạt hơn 6.347 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,46%; dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 33,71 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,04%; hoạt động dịch vụ khác đạt hơn 6.802 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,07%.

Hoạt động xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các quốc gia châu Âu và châu Á. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 580 triệu USD, tăng gấp 1,96 lần so với năm 2015, mức tăng trưởng bình quân đạt 14,38%.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Thời gian qua, hoạt động thương mại là lĩnh vực có nhiều ưu thế trong ngành dịch vụ của tỉnh. Hệ thống cơ sở thương mại phát triển khá nhanh về số lượng, quy mô hoạt động ở cả thành thị, nông thôn, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của nhân dân”.

Gian hàng trái cây tại Co.op Mart Pleiku được nhiều khách hàng lựa chọn. Ảnh: Vũ Thảo


Lĩnh vực du lịch có sự chuyển biến tích cực. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phát triển với mục tiêu đưa du lịch trở thành 1 trong 3 mũi nhọn kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-đánh giá: “Công tác xúc tiến, quảng bá, liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung được đẩy mạnh. Các sự kiện văn hóa, du lịch tạo hiệu ứng cao, có sức lan tỏa, thu hút đông đảo lượng khách tham quan như: Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018, Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, Ngày hội Du lịch huyện Kbang, Ngày hội Hoa muồng vàng ở Chư Prông… Tổng lượt khách du lịch tăng bình quân hàng năm 15,7%, doanh thu tăng bình quân hàng năm 10,8%”.

Nâng cao tỷ trọng dịch vụ

Để ngành dịch vụ chiếm 35,4% trong cơ cấu kinh tế, theo Giám đốc Sở Công thương, trước hết phải cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển vùng trong tỉnh và mô hình liên kết vùng khu vực Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung. Hỗ trợ vốn đầu tư phát triển để chỉnh trang, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội các đô thị vùng động lực của tỉnh, huy động các nguồn lực để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn và các trục giao thông đầu mối. Chú trọng phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Phát huy vai trò Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, thúc đẩy giao thương quốc tế với Campuchia, Lào.

Ông Phạm Văn Binh thông tin thêm: Trong 5 năm tới, các hiệp định thương mại tự do như CPTTP, EVFTA sẽ tác động mạnh đến thu hút đầu tư, nhất là đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, tỉnh cần ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thay đổi công nghệ, áp dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe.

Ngành Công thương tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, mở rộng thị trường xuất khẩu, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó, ưu tiên tăng tỷ trọng xuất khẩu qua chế biến sâu đối với các mặt hàng chủ lực của tỉnh gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Du lịch được xác định là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh. Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình số 43-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo đó, tỉnh đã thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, đào tạo nhân lực phục vụ du lịch. Phấn đấu đến năm 2025 đạt 2,1 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng lượt khách bình quân đạt 16,8%; tổng doanh thu du lịch đạt 1.400 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 18,6%.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết thêm, các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa-lịch sử và du lịch cộng đồng đã tạo nên thế mạnh và đặc trưng riêng có của Gia Lai. Hiện tỉnh ta đang sở hữu một số sản phẩm du lịch đặc trưng như: Biển Hồ-núi lửa Chư Đang Ya, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng gắn với phát triển du lịch của huyện Kbang và thị xã An Khê…

“Chúng ta đang kêu gọi thu hút đầu tư sân golf gắn với một số dự án ở vùng trọng điểm như: thác Phú Cường, hồ Ayun Hạ, Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia Plei Ơi... Nếu các sản phẩm du lịch này được đầu tư hoàn thiện, khai thác tốt sẽ là điểm nhấn của du lịch Gia Lai trong thời gian đến”-ông Hoàng nhấn mạnh.

VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm