Kinh tế

Gia Lai: “Nâng tầm” cho cây điều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có lẽ, chưa bao giờ người trồng điều trên địa bàn tỉnh Gia Lai lại phấn khởi như năm nay khi giá điều liên tục tăng ở mức cao nhất từ trước đến nay. Từ 26.000 đồng/kg lên 31.000 đồng/kg và mức giá hiện tại 39.000 đồng/kg. Với giá này, người trồng điều có lãi từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng/ha, báo hiệu cây điều đã bắt đầu quay trở lại cạnh tranh với các loại cây trồng khác.
Ảnh: Nguyễn Hồng
Ảnh: Nguyễn Hồng
Ông Siu Đa- làng Yeh, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ phấn khởi cho biết: “Nhà tôi trồng 2 ha điều từ những năm trước, nhưng mỗi lần thu hoạch gặp không ít những khó khăn vì giá điều thấp, việc tiêu thụ cũng khó hơn các loại cây trồng khác. Vì vậy, phần lớn không được đầu tư chăm sóc bài bản, nên năng suất thấp. Năm nay giá điều tăng cao, tư thương tìm đến nhà mua khiến mọi người trong làng đều rất phấn khởi. Riêng gia đình tôi vừa rồi thu gần 100 triệu đồng từ cây điều. Hiện tại gia đình tôi cũng như bà con đang bắt đầu quay trở lại đầu tư cho cây điều, vừa trồng mới vừa cải tạo lại vườn để có thể cạnh tranh với các loại cây trồng khác”.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, từ năm 2005 đến 2007, thông qua hai dự án phát triển cây điều tại 2 huyện Krông Pa và Kông Chro, nhờ đó, diện tích điều đạt 19.144 ha. Tuy nhiên, do giá cả thấp, đầu ra thiếu ổn định khiến cây điều không thể cạnh trạnh với các loại cây trồng khác. Bên cạnh đó, phần lớn diện tích điều đã già cỗi, giống cũ chiếm tỷ lệ đến 63%. Vì vậy dù diện tích điều trên địa bàn tỉnh rất lớn nhưng hai nhà máy chế biến hạt điều vẫn thiếu nguyên liệu để sản xuất thường xuyên. Vụ mùa vừa qua cũng nhờ được giá, người dân đã tái canh trồng mới trở lại gần 600 ha, nâng tổng diện tích điều hiện có trên 20.192 ha. Đặc biệt, cây điều cũng được người dân các huyện phía Tây đưa vào trồng mới và đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. 
Ông Kpă Thuyên- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay là do trước đây cây điều chủ yếu trồng trên chân đất xám bạc màu nên ít được đầu tư về giống, quy trình thâm canh, nên năng suất chỉ đạt 3-4 tạ/ha. Giá cả hạt điều thấp nên người dân phải phá bỏ cây điều để thay thế các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Thuận lợi lớn nhất cho sự phát triển của cây điều trong những năm tới là cùng nằm trong cơ cấu quy hoạch các loại cây trồng gắn với công nghiệp chế biến từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn 2020.
Theo đó, đến năm 2015 toàn tỉnh sẽ có 25.000 ha điều với sản lượng ước đạt 14.000 tấn. Đồng thời tập trung nâng công suất nhà máy chế biến hạt điều tại huyện Krông Pa lên 10.000 tấn/năm và sẽ xây dựng thêm một số nhà máy mới tại một số vùng trọng điểm với công suất 5.000 tấn/năm. Để cây điều phát triển bền vững trong thời gian tới các địa phương đang hoàn thiện đánh giá lại thực trạng cây điều, để có giải pháp cải tạo giống, từng bước thay thế. Khuyến khích tạo điều kiện để các nhà máy, cơ sở ký hợp đồng mua sản phẩm điều cho nông dân.

Có thể bạn quan tâm