Kinh tế

Tài chính

Gia Lai: Ngân hàng tiết giảm chi phí để chia sẻ khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chủ động điều chỉnh giảm thu nhập của cán bộ lãnh đạo, nhân viên và tiết giảm tối đa chi phí hoạt động lẫn lợi nhuận để có nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với khách hàng; đồng thời, tiếp tục giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. 
Chủ động giảm thu nhập, chi phí hoạt động
Từ tháng 5 đến cuối tháng 8-2020, SHB Gia Lai đã thực hiện điều chỉnh giảm thu nhập 10-30% của trên 10 cán bộ lãnh đạo, quản lý theo nguyên tắc người có thu nhập càng cao thì hệ số giảm càng nhiều. Riêng đối với nhân viên có mức thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng thì không giảm.
“Dịch Covid-19 khiến khách hàng gặp khó khăn thì ngân hàng cũng bị ảnh hưởng, tuy nhiên vẫn có độ trễ nhất định. Nhìn thấy được điều này, SHB Gia Lai đã điều chỉnh giảm thu nhập của đội ngũ lãnh đạo, quản lý trên tinh thần tự nguyện của mỗi cá nhân và tiết giảm tối đa chi phí hoạt động của đơn vị. Mặc dù số tiền có thể không lớn nhưng chúng tôi muốn góp phần cùng toàn hệ thống SHB tạo nguồn lực để thực hiện các chính sách, giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với khách hàng trong giai đoạn hiện nay”-ông Lý Anh Đào-Giám đốc SHB Gia Lai-bày tỏ. 
Tương tự, từ ngày 1-6 đến 31-12-2020, BIDV Gia Lai đã thực hiện giảm thu nhập của cán bộ và nhân viên trong hệ thống. Ông Trần Văn Chương-Giám đốc BIDV Gia Lai-cho biết: “Chi nhánh đã thực hiện điều chỉnh thu nhập từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đến nhân viên với mức giảm bình quân từ 15 đến 17%. Tùy theo từng chức danh, vị trí việc làm để đưa ra mức giảm tương ứng, riêng đội ngũ lãnh đạo thì mức giảm thu nhập sẽ cao hơn nhân viên”.
Bên cạnh việc triển khai chính sách chung của hệ thống, BIDV Gia Lai còn giảm thêm 10% chi phí quản lý công vụ nhằm tiết kiệm nguồn lực tài chính để có nguồn lực thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng một cách thiết thực như: cơ cấu lại nợ cho 23 khách hàng với tổng dư nợ 293 tỷ đồng, thực hiện 3 đợt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm 2,5-3%/năm so với trước dịch Covid-19, giảm hơn 70% phí giao dịch chuyển tiền ngoài hệ thống…
Trong khi đó, từ tháng 9-2020, Agribank Gia Lai và Agribank Đông Gia Lai cũng đã thực hiện điều chỉnh giảm thu nhập đối với đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo, người lao động, giảm bớt các khoản chi phí hoạt động nhằm tạo nguồn lực triển khai chính sách giảm lãi suất cho vay, vừa chia sẻ vừa tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Các ngân hàng thương mại chủ động tiết kiệm chi phí hoạt động để hỗ trợ khách hàng. Ảnh: Sơn Ca
Các ngân hàng thương mại chủ động tiết kiệm chi phí hoạt động để hỗ trợ khách hàng. Ảnh: Sơn Ca
Tích cực hỗ trợ khách hàng
Kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã liên tục bám sát tình hình thực tế, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thực hiện điều chỉnh các mức giảm lãi suất theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thực hiện tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế một cách bền vững.
Ông Nguyễn Hữu Nghị-Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh: “Trong bối cảnh hiện nay, điều rất đáng ghi nhận là các ngân hàng thương mại đã chủ động giảm bớt lợi nhuận và chi phí hoạt động để tự cân đối nguồn lực thực hiện các giải pháp chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đồng thời, có nguồn lực kích cầu tăng trưởng kinh tế bằng chính sách lãi suất hợp lý”.

Thực hiện chủ trương đó, Agribank Đông Gia Lai đã tích cực triển khai gói tín dụng ưu đãi quy mô 100.000 tỷ đồng của Agribank, mức lãi suất hỗ trợ lên đến 2,5% năm. Đồng thời, liên tiếp thực hiện 3 đợt giảm lãi suất cho vay, gần đây nhất là đợt giảm lãi suất cho vay từ ngày 30-6-2020 đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 4,8%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Đây cũng là mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay.

Ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Đông Gia Lai-thông tin: “So với thời điểm trước dịch Covid-19, mặt bằng lãi suất hiện đã giảm 0,5-1%/năm. Riêng đối với khách hàng là đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì Agribank áp dụng mức lãi suất giảm 1,5-2% trong 6 tháng đầu tiên. Để thực hiện được điều này, chúng tôi phải tiết kiệm triệt để các khoản chi phí hoạt động, trong đó có việc giảm thu nhập của cán bộ, nhân viên”.

Không chỉ tập trung vào chính sách lãi suất, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh còn tích cực hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 với số dư nợ bị ảnh hưởng lên đến 17.123 tỷ đồng. Theo đó, đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 519 khách hàng/dư nợ 1.105 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 8.383 khách hàng/dư nợ 4.578 tỷ đồng; cho vay lũy kế đối với 1.930 khách hàng/doanh số cho vay 5.214 tỷ đồng. Qua đó, ngành Ngân hàng đã góp phần hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau thời gian giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19.
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm