(GLO)- Vừa trải qua đợt hạn hán khốc liệt khiến hàng ngàn ha hồ tiêu bị chết khô, người trồng hồ tiêu chưa kịp gượng dậy thì tiếp tục hứng chịu “đại dịch” tiêu chết. Giá tiêu giảm mạnh cộng với dịch bệnh hoành hành khiến người trồng tiêu vô cùng khốn đốn.
Giá tiêu liên tục giảm mạnh
Đang bơm thuốc xịt cho vườn tiêu có dấu hiệu vàng lá, ông Bùi Lưu Ngư (thôn 2, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) cho biết: Vườn tiêu gần 200 gốc này ông mua giống từ Bình Phước về trồng, ban đầu rất xanh tốt nhưng khi chuẩn bị đến thời kỳ ra hoa thì có dấu hiệu bị bệnh. Trước đó, vườn tiêu hơn 500 trụ của ông cũng bị chết đột ngột mà đến giờ cũng không biết nguyên nhân, chỉ nghi ngờ là do nhiễm vi rút.
Giá tiêu liên tục giảm gần như chạm đáy khiến người trồng tiêu lao đao. Ảnh: M.N |
Khi P.V hỏi về việc giá tiêu giảm, như chạm đúng nỗi lòng, ông Ngư than thở: “Có người năm ngoái thu tiền tỷ, nhà xây vừa xong, chưa kịp mừng đã vướng nợ nần vì vườn tiêu chết đột ngột. Tiền toàn vay ngân hàng để đầu tư trồng tiêu, năm nay thu hoạch xong thì giá tiêu lại xuống thấp, người dân giữ lại để đó vì không thể bán được lúc này”.
Đây cũng chính là tình cảnh của gia đình bà Võ Thị Nga (thị trấn Chư Sê). Vụ này, vườn tiêu 2.000 trụ (1,5 ha) của gia đình bà cho thu hoạch 3 tấn tiêu khô. Đến hạn trả nợ tiền phân, thuốc nên gia đình đành bán bớt 1 tấn với giá 103 ngàn đồng/kg, riêng 2 tấn còn lại chờ giá lên cao sẽ bán. Tuy nhiên, giá tiêu không tăng mà cứ rớt giá (khoảng 80.000 đồng/kg), khiến vợ chồng bà mất ăn, mất ngủ. Tương tự, cũng vì chê giá thấp, anh Huỳnh Văn Sỹ (thôn Phú Mỹ, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) vẫn còn tồn kho hơn 3 tạ tiêu. “Tiêu thì chưa bán được mà nợ thì đến hạn phải trả. Không biết sắp tới gia đình sống như thế nào?”-anh Sỹ chua xót.
Anh Trần Duy Yên (xã Dun, huyện Chư Sê) thì may mắn hơn các hộ gia đình trên. Với hơn 2.000 trụ tiêu, năm nay, anh thu được hơn 5 tấn. Ban đầu, anh bán 1 tấn ở mức giá hơn 100 triệu đồng/tấn. Được vài ngày, thấy giá tiêu cứ giảm, được tư vấn kịp thời, anh vội vàng bán tháo số còn lại dù lúc bấy giờ giá chỉ 90 triệu đồng/tấn. Theo anh Yên, so với năm ngoái (giá tiêu có thời điểm ở mức 180 triệu đồng/tấn) thì số tiền bán 5 tấn tiêu này của anh bị giảm hơn phân nửa. Tuy nhiên, so với mức giá hiện tại chỉ hơn 75 triệu đồng/tấn thì anh vẫn lời vì bán ở thời điểm giá vẫn còn cao. Theo tính toán của anh Yên, vườn tiêu này anh đầu tư hơn 1 tỷ đồng, nếu giá tiêu ở mức như năm ngoái thì anh sẽ trả gần hết nợ. “Trước chỉ cần 1 mùa là lấy lại vốn, nhưng giờ chắc phải đến 3 mùa. Nhưng cũng chưa biết chừng”-anh Yên bỏ lửng câu nói của mình.
Anh Trần Duy Yên (xã Dun, huyện Chư Sê) may mắn hơn so với nhiều hộ vì bán tiêu ở thời điểm giá còn cao. Ảnh: M.N |
Sản xuất bền vững để cứu ngành hồ tiêu
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Sương-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Kiều Sương (thị trấn Chư Sê): Chưa năm nào hoạt động mua bán của doanh nghiệp bết bát như năm nay. Giá tiêu ở mức thấp nên người dân “găm hàng”, trong khi các đại lý thu mua thì bị “đói” hàng. “Mấy ngày qua, cơ sở chỉ mua được gần… 1 tạ tiêu. Chỉ một số ít người đến bán vì đang rất khó khăn, kẹt tiền trả nợ. Dân không bán, doanh nghiệp chẳng thu mua được, việc kinh doanh vì thế cũng đình trệ. Chưa kể số lượng tiêu doanh nghiệp đã thu mua trước đó giờ rớt giá, lỗ nặng”-bà Sương than thở.
Ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh xác nhận: Do giá tiêu xuống thấp nên nhiều người tích trữ chờ giá lên. Nhiều người tiếc nuối vì trước đó không chịu bán để giờ rớt giá thê thảm. “Thời điểm này, người dân vẫn trồng mới tiêu nhưng tốc độ chậm lại chứ không còn ồ ạt như trước. Ngành Nông nghiệp và PTNT huyện khuyến cáo người dân nên sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững để hạn chế dịch bệnh. Đối với diện tích sản xuất cho năng suất thấp thì nên chuyển đổi sang cây trồng khác”-ông Khanh cho biết.
Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá hồ tiêu tại thời điểm tháng 5-2016 ở mức 180.000 đồng/kg. Đến đầu năm 2017, giá chỉ còn ở mức 128.000-135.000 đồng/kg và giảm xuống dưới 100.000 đồng/kg kể từ tháng 4-2017. Thời điểm hiện tại (cập nhật đến ngày 12-6), giá tiêu ở thị trường Chư Sê chỉ đang ở mức 73.000 đồng/kg. |
Ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê nhận định: Diện tích hồ tiêu tăng quá nhanh khiến cung vượt cầu. Theo ông Bính, hiện nay diện tích hồ tiêu tăng quá nhanh, phá vỡ quy hoạch; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm hồ tiêu cao, ảnh hưởng uy tín hạt tiêu và thị trường tiêu thụ. Do vậy, ngoài việc ngừng trồng mới, người dân cần dồn sức chăm sóc diện tích hiện có. Về giải pháp lâu dài thì người dân phải tăng cường sản xuất theo hướng sinh học hữu cơ để tạo ra các sản phẩm tiêu sạch, không bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đạt uy tín, chất lượng cao.
Đồng thời, ông Bính cũng kiến nghị ngành Nông nghiệp và PTNT nên tổ chức lại sản xuất, quy hoạch hồ tiêu theo hướng bền vững; quản lý chặt chẽ vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu. “Chỉ có đẩy mạnh triển khai các mô hình trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ mới đảm bảo sự phát triển bền vững cho cây hồ tiêu và chỉ có sản xuất theo hướng bền vững như vậy mới cứu được ngành hồ tiêu”-ông Bính nhận định.
Minh Nguyễn