Hàng trăm doanh nghiệp ở Gia Lai vi phạm các quy định về hoạt động sản xuất kinh doanh. Số này lợi dụng sự thông thoáng về cơ chế, chệch đường và đã bị phát hiện, xử lý.
Hễ hậu kiểm là ra chuyện
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 3.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, trong đó có 1/3 số DN hoạt động trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Chính sách thông thoáng của Nhà nước trong thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động nhưng cũng làm cho doanh nghiệp vướng phải sai sót trong hoạt động. Ông Phạm Tấn Nghĩa- Phó Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hàng năm, chúng tôi phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành hậu kiểm doanh nghiệp, qua đó phát hiện hàng trăm doanh nghiệp có những thiếu sót trong hoạt động.
Đường vào Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T |
Từ đầu năm đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh phát hiện 162/349 DN vi phạm, trong đó có hàng trăm DN không có mặt tại thời điểm kiểm tra, thay đổi trụ sở làm việc nhưng chưa thông báo công khai. Ngoài ra, có 28 DN bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 83 triệu đồng.
Xử phạt quá nhẹ
Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động nhưng phớt lờ những cam kết đối với người lao động, bảo vệ môi trường. Hầu hết doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại đều bỏ qua các cam kết bảo vệ môi trường, chưa thực hiện nghiêm quy định phòng cháy chữa cháy. Người lao động trong những DN này cũng chưa thật sự an tâm bởi DN không ký hợp đồng lao động dài hạn mà chỉ ký theo hình thức ngắn hạn (3 tháng). Như vậy, các doanh nghiệp đã “lách luật” khi ký hợp đồng với người lao động để phớt lờ việc đóng bảo hiểm cho họ.
Hầu như các DN hoạt động trên lĩnh vực tư vấn thiết kế theo quy định là chưa đủ điều kiện xếp hạng. Đội ngũ chuyên môn cũng còn nhiều hạn chế. Đây là khó khăn cho các nhà đầu tư của tỉnh khi lựa chọn những doanh nghiệp có đủ trình độ chuyên môn tham gia vào từng công trình cụ thể. Tình thế này buộc Sở Kế hoạch và Đầu tư phải yêu cầu 27 DN lập các thủ tục cắt giảm một số ngành nghề kinh doanh liên quan đến hoạt động tư vấn, thiết kế do không đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ thực tế.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xây lắp, khai thác khoáng sản, chế biến gỗ… hạn chế về năng lực. Đây cũng là thực tế đối với nhiều DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Dù nhiều DN ra đời nhưng đa số là vừa và nhỏ, hoạt động theo kiểu “công ty gia đình” và người đứng đầu phần nhiều chưa có kiến thức vững về quản trị doanh nghiệp. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm.
Theo quy định, kết thúc năm tài chính, DN sau khi lập báo cáo tài chính phải gửi cho cơ quan thuế, thống kê và nơi cấp giấy chứng nhận ĐKKD. Tuy vậy, trên thực tế những năm qua chỉ có khoảng 30% DN trên địa bàn thực hiện đầy đủ các quy định trên. Đây cũng là một trong những hạn chế về năng lực quản trị của chủ DN và nhân viên làm công tác kế toán. Nghiêm trọng hơn, một số DN tư vấn thiết kế kê khai nhân viên làm công tác chuyên môn nhưng không thể hiện trên bảng lương hàng tháng.
Cũng theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2008 đến nay, việc xử phạt hành chính ở các DN cao nhất chỉ dừng ở mức 7 triệu đồng. Có lẽ chế tài xử phạt quá nhẹ khiến nhiều doanh nghiệp chưa ngại?
Trần Hiếu