(GLO)- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Gia Lai Đỗ Tiến Đông vừa ký Công văn số 2524/UBND-KTTH yêu cầu tập trung triển khai thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020.
Nhiều dự án đang đẩy nhanh tiến độ thi công, tăng ca để đẩy nhanh số vốn đã giao. Ảnh: Nam Cường |
Theo UBND tỉnh, hiện nay, nhiều dự án có khả năng không giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2020 là hơn 83 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương 54 tỷ đồng (dự án đường liên xã huyện Krông Pa 13,2 tỷ đồng; đường nội thị thị xã Ayun Pa 6,3 tỷ đồng; hệ thống thủy lợi hồ chứa nước Plei Thơ Ga 9 tỷ đồng; Dự án quy hoạch tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030 là hơn 24 tỷ đồng; Dự án bảo vệ và phát triển rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba là hơn 1 tỷ đồng); vốn dự phòng chung ngân sách trung ương 3,8 tỷ đồng (Dự án chống sạt lở bờ sông Ba khu vực xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa); vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2019 là 25 tỷ đồng (Dự án kè chống sạt lở Trung tâm hành chính huyện Chư Sê 16 tỷ đồng; Dự án sắp xếp, ổn định dân cư tại buôn Hlang, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa 9 tỷ đồng). Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, tăng ca để đẩy nhanh số vốn đã giao. Ngoài ra, Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn, đến nay dự án có khối lượng thực hiện hơn 34 tỷ đồng, giải ngân 26/56 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT để sớm chuyển vốn đợt 2 nhằm giải ngân kế hoạch vốn 2020. Riêng số vốn không thể giải ngân hết là 14 tỷ đồng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xin phép kéo dài.
Về vốn trái phiếu Chính phủ năm 2019 kéo dài sang năm 2020 (Dự án đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông) thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng để xử lý dứt điểm. Nếu bị cắt vốn, UBND huyện Chư Prông phải chịu trách nhiệm.
NAM CƯỜNG