Kinh tế

Tài chính

Gia Lai: Nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngoài các nguyên nhân như: chậm giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu san lấp hay giá vật liệu biến động... thì mùa mưa kéo dài cũng là yếu tố làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại Gia Lai.

Năm 2024, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giao cho tỉnh Gia Lai là 4.036 tỷ đồng. Tổng kế hoạch vốn phân bổ tính đến ngày 6-7 là 4.370,661 tỷ đồng (vốn kế hoạch năm 2024 là 3.800,429 tỷ đồng, vốn kéo dài 570,232 tỷ đồng); số vốn chưa phân bổ là 338,977 tỷ đồng (gồm ngân sách địa phương 278,927 tỷ đồng, ngân sách trung ương 60,05 tỷ đồng). Tổng số vốn đã giải ngân tính đến ngày 6-7 là 978,091 tỷ đồng, đạt 22,4% kế hoạch, thấp hơn 6,37% so với trung bình giải ngân của cả nước (28,77%).

Theo ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Việc hụt thu tiền sử dụng đất làm cho nhiều dự án, chương trình sử dụng nguồn vốn này không thể triển khai thực hiện và thanh toán khối lượng hoàn thành. Tổng số vốn từ nguồn tiền sử dụng đất đã phân bổ đến thời điểm hiện tại là 384,686 tỷ đồng (chiếm 9,1% tổng kế hoạch vốn đã phân bổ của tỉnh) nhưng chưa giải ngân đồng nào.

Bên cạnh đó, 8 dự án đang ở bước chuẩn bị đầu tư nên chưa có khối lượng để giải ngân kế hoạch vốn năm 2024. Tổng kế hoạch vốn phân bổ cho 8 dự án này là 204,803 tỷ đồng (chiếm 4,85% tổng kế hoạch vốn đã phân bổ của tỉnh), giải ngân được 0,873 tỷ đồng, đạt 0,4%.

Dự án đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Lê Thánh Tôn) chưa thể thi công vì thiếu đất san lấp và vướng mặt bằng. Ảnh: H.D

Dự án đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Lê Thánh Tôn) chưa thể thi công vì thiếu đất san lấp và vướng mặt bằng. Ảnh: H.D

Cùng với đó, một số dự án vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất như dự án xây dựng các hồ chứa nước và hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi (phần lớn diện tích thực hiện dự án chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của các huyện, thị xã đã được UBND tỉnh phê duyệt, do đó chưa có cơ sở để thẩm định, phê duyệt).

Hay Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh quốc lộ 19), đoạn điều chỉnh hướng tuyến do điều chỉnh điểm đấu nối với đường Hồ Chí Minh (tại Km 1588+200 thuộc xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Chư Păh nên phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của huyện, làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án...

Ông Hoàng Minh Nghĩa-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku-cho hay: Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có rất ít mỏ đất được cấp phép khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, thủ tục để cấp phép khai thác khoáng sản cho các mỏ đất đắp rất phức tạp, phải thực hiện qua nhiều bước, thời gian kéo dài nhiều năm khiến thiếu vật liệu đất san lấp cho dự án.

Dự án đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Lê Thánh Tôn) có nhu cầu đất đắp khoảng 200.000 m3. Ban đang triển khai thủ tục đối với diện tích đất cải tạo theo các hướng dẫn tại Công văn số 2694/UBND-CNXD ngày 4-10-2023 của UBND tỉnh và Công văn số 3649/STNMT-KS-TNN ngày 9-10-2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, các vị trí đất đủ điều kiện về chỉ tiêu cơ lý của đất, đảm bảo chất lượng để phục vụ công trình nằm rải rác và không đảm bảo khối lượng để thực hiện dự án.

Gia Lai đang tập trung triển khai các giải pháp gỡ vướng giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai đang tập trung triển khai các giải pháp gỡ vướng giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Hà Duy

Ngoài ra, một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân như: Dự án xây dựng Bệnh viện 331; Dự án Khu xạ trị và trang-thiết bị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh; các dự án bảo vệ và phát triển rừng...

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, đảm bảo tỷ lệ giải ngân chung của toàn tỉnh đạt trên 95% kế hoạch vốn đã giao, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các địa phương và chủ đầu tư tổ chức làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan nhằm chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đến thời điểm hiện nay. Đồng thời, đề ra các giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Hữu Hòa: “Ngoài những nguyên nhân trên thì Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung đều có đặc thù là mùa mưa gần như đến ngay sau khi hoàn thành hồ sơ, thủ tục các dự án mới, thời gian mưa lại kéo dài nhiều tháng nên các dự án đều phải ngừng triển khai, khiến chậm tiến độ thực hiện cũng như giải ngân vốn các dự án đầu tư công bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Gia Lai lúc nào cũng thấp hơn so với các tỉnh khác”.

Có thể bạn quan tâm