Kinh tế

Giá cả thị trường

Gia Lai: Nhiều tiềm năng phát triển năng lượng sinh khối

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phát triển năng lượng sinh khối là bước đi phù hợp nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, phát triển nông nghiệp nông thôn, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường. Gia Lai là địa phương có tiềm năng để phát triển dạng năng lượng này.

Tháng 3-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030, trong đó xác định ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Gia Lai nằm trong số ít các tỉnh có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có. Ngoài thủy điện, những nguồn năng lượng tái tạo khác có thể khai thác gồm điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối. Trong đó, phế phẩm từ ngành nông-lâm nghiệp chính là nguồn nguyên liệu phong phú để phát triển năng lượng sinh khối.

 

Nhà máy Điện sinh khối An Khê đang được xây dựng. Ảnh: Internet
Nhà máy Điện sinh khối An Khê đang được xây dựng. Ảnh: Internet

Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã bắt đầu chú trọng đến lĩnh vực này. Đáng chú ý là Nhà máy Điện sinh khối An Khê đang được triển khai xây dựng giai đoạn I với công suất 55 MW do Công ty cổ phần Mía đường Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Nguyên liệu là bã mía thừa được tận dụng sau khi ép đường.

Nhà máy Điện sinh khối An Khê được xem là công trình năng lượng sạch, an toàn và thân thiện với môi trường. Nhà máy góp phần cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 300 triệu kWh/năm, giúp cân bằng nguồn điện phụ tải khu vực phía Đông tỉnh. Chưa kể, nhà máy này còn góp phần giải quyết bài toán nâng cao thu nhập cho người trồng mía, giúp bà con ở 4 huyện, thị xã phía Đông của tỉnh yên tâm gắn bó phát triển vùng nguyên liệu khi đầu ra cây mía ngày càng ổn định. Trước đó, tại thị xã Ayun Pa, Nhà máy Điện sinh khối từ bã mía Ayun Pa với công suất 34,6 MW cũng đã đi vào vận hành.

 

Sinh khối bao gồm cây cối tự nhiên, cây công nghiệp và các loài thực vật; bã nông nghiệp và lâm nghiệp; chất thải đời sống con người, như chất thải từ quá trình sản xuất thức ăn, nước uống, bùn, nước cống, phân bón và các thành phần hữu cơ của chất thải sinh hoạt…

Ông Bùi Khắc Quang-Giám đốc Sở Công thương, nhận định: “Trong điều kiện các nguồn nhiệt điện với giá thành cao và các nguồn thủy điện dần cạn kiệt, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng sinh khối là yêu cầu cấp thiết, phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo. Tại Gia Lai, nguồn sinh khối cho sản xuất điện gồm các nguồn nguyên liệu từ phế phẩm nông-lâm nghiệp như: vỏ trấu, vỏ cà phê, mùn cưa...”. Ngoài việc thu được nguồn năng lượng sạch thì việc tận dụng tốt các sản phẩm này còn giảm áp lực đối với vấn đề ô nhiễm môi trường ở đầu nguồn nước. Bởi lẽ, việc phát triển thủy điện ồ ạt trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển năng lượng sinh khối cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Theo đó, công nghệ sinh khối đắt hơn công nghệ truyền thống. Hiện nay, Nhà nước cũng chưa có chính sách cụ thể. Năng lượng tái tạo cũng chưa có các mục tiêu cụ thể trong kế hoạch phát triển của tỉnh. Để phát triển năng lượng sinh khối nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung tương xứng với tiềm năng, tỉnh cần có quy hoạch, chiến lược phát triển cụ thể, song song với hình thành chính sách hợp lý, hấp dẫn để kêu gọi đầu tư.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm