Gia Lai: Nhộn nhịp dòng người đi lễ chùa, tảo mộ ngày đầu năm mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngay từ sáng sớm mùng 1 Tết, nhiều người dân Gia Lai đã nô nức đi lễ chùa và tảo mộ để cầu phúc, hái lộc, cầu mong một năm mới bình an cho gia đình. 

Đi chùa hái lộc đầu xuân

Đi lễ chùa cầu may đã trở thành một nét văn hóa truyền thống của người Việt mỗi dịp Tết đến, xuân về. Ngay sáng mùng 1 Tết, tại các ngôi chùa lớn của TP. Pleiku như chùa Vĩnh Nghiêm, Bửu Minh, Minh Thành, rất đông người dân đã đổ về làm lễ cầu an, cầu phúc cho gia đình và người thân. Lượng người đi lễ chùa khá đông và hầu hết đều chủ động thực hiện nghiêm các quy định về phòng-chống dịch Covid-19.

Chùa Vĩnh Nghiêm sáng mùng 1 Tết- Ảnh Trần Dung
Rất đông người dân đến chùa Vĩnh Nghiêm sáng mùng 1 Tết để làm lễ cầu an, cầu phúc cho gia đình. Ảnh: Trần Dung


Chị Nguyễn Trâm Anh (tổ 3, phường Hoa Lư) chia sẻ: “Sáng mùng 1 Tết, tôi cùng gia đình đi lễ chùa cầu sức khỏe, bình an, may mắn và hạnh phúc trong năm mới". 

Còn với bà Nguyễn Thị Minh (phường Phù Đổng) thì sáng mùng 1 Tết luôn là dịp để cùng các con, cháu lên chùa cầu an. Bà Minh cho biết: “Đi lễ chùa đầu năm giờ đã trở thành truyền thống của gia đình. Không chỉ đơn giản là cầu xin chư Phật phù hộ cho gia đình, người thân một năm an lành, hạnh phúc, công việc được thuận lợi mà việc đi lễ chùa còn để khuyên dạy con, cháu hướng thiện, sống lễ phép, có hiếu với ông bà, cha mẹ”.

Ngay từ sáng sớm, nhiều gia đình đã đi lên chùa xin lộc đầu năm mới. Ảnh: Ngọc Thu
Ngay từ sáng mùng 1 Tết, nhiều gia đình đã lên chùa cầu lộc cho năm mới. Ảnh: Ngọc Thu


Tương tự, ngay từ sáng sớm mùng 1 Tết, nhiều gia đình cũng cùng nhau đến chùa Phước Lâm (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) làm lễ cầu mong năm mới bình an, gặp nhiều may mắn. Chị Nguyễn Thị Ngọc (thôn Ia Lâm, thị trấn Ia Ly) cho biết: “Ngay sau thời khắc Giao thừa, tôi đã lên chùa cầu phúc và xin lộc. Trong không gian rất yên tĩnh, thiêng liêng nơi cửa Phật, tôi cầu chúc những điều tốt đẹp sẽ đến với mình và người thân trong năm mới".

Tại thị xã An Khê, theo ghi nhận của P.V Báo Gia Lai điện tử, ngay từ sáng sớm mùng 1, hầu hết các chùa, tịnh xá trên địa bàn đều mở cửa để phục vụ người dân đi lễ Phật. Để đảm bảo an toàn cho người dân, các chùa đã thực hiện nghiêm quy định về phòng-chống dịch Covid-19.

Ông Trịnh Công Nho-đại diện tịnh xá Ngọc An (xã Song An) cho hay: “Để đảm bảo an toàn cho người dân, tịnh xá đã cử một số thành viên trực trước cổng, hướng dẫn người đi lễ sát khuẩn, đeo khẩu trang. Hầu hết bà con tuân thủ việc đeo khẩu trang. Khi vào tịnh xá, chúng tôi chủ động tuyên truyền bà con không tụ tập đông người, giữ khoảng cách an toàn, lễ Phật xong thì ra về ngay, không vãng cảnh như những năm trước”.

Người dân sát khuẩn trước khi vào lễ phật. Ảnh: Ngọc Minh
Người dân rửa tay sát khuẩn trước khi vào lễ Phật. Ảnh: Ngọc Minh


Cùng con gái đi lễ chùa, chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Thượng An 2, xã Song An) chia sẻ: “Năm nào gia đình cũng tập trung đi tảo mộ và lễ chùa đầu năm trước khi du xuân, vui Tết. Năm nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên gia đình tôi tranh thủ đi tảo mộ và đi lễ Phật rồi về chứ không kết hợp vui chơi như những năm trước. Năm mới, tôi cầu cho đại gia đình hai bên nội, ngoại bình yên, dồi dào sức khỏe và chúc mọi người bình an, vạn sự như ý”.

Bên cạch đó, đã thành thông lệ, sáng sớm mùng 1 Tết, người dân các thôn: 4, 5 và 6 (xã Thành An, thị xã An Khê) lại tề tựu về đình Tân Tạo (nằm trên địa bàn thôn 5) để cúng thần linh, thành hoàng làng. Trong không khí linh thiêng của sớm đầu năm, các thành viên trong Ban nghi lễ đình Tân Tạo phục trang chỉnh tề, kính cẩn cúng bái theo đúng nghi thức truyền thống với đầy đủ trống, chiêng, văn khấn... Tiếp đến, mỗi người dân lần lượt vào hành lễ, nguyện cầu một năm mới an khang thịnh vượng đến với gia đình và cộng đồng.

Ông Nguyễn Đình Luân (thôn 5, xã Thành An)-phụng tế đình Tân Tạo-cho biết: “Sáng mùng 1 Tết Nguyên đán hàng năm, bà con chúng tôi đều tề tựu về đình để tham gia lễ cúng thần linh, cầu mong cho bá tính vạn sự bình an, mưa thuận gió hòa, bà con làm ăn, sinh sống được thịnh vượng. Năm nay, vì dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên mỗi gia đình tự chuẩn bị lễ vật và chỉ cử đại diện đến tham gia lễ cúng thần chứ không tập trung đông người như mọi năm; đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch theo quy định. Trước đó, ngày 30 Tết, chúng tôi cũng đã tiến hành dựng cây nêu trong khuôn viên đình và cúng Giao thừa để đón chào năm mới”.

Tảo mộ tưởng nhớ tổ tiên, ông bà

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, năm nào cũng vậy, vào sáng mùng 1 Tết, tại các nghĩa trang ở TP. Pleiku lại nhộn nhịp dòng người đi tảo mộ. Mọi người tìm đến đây để thắp nén hương tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân đã khuất.

Thế hệ trẻ giữ gìn nét văn hóa truyền thống gia đình- Nguyễn Diệp
Thế hệ trẻ giữ gìn nét văn hóa truyền thống gia đình. Ảnh: Nguyễn Diệp


Gia đình ông Đặng Văn Cư (đường Trần Phú, TP. Pleiku) bắt đầu năm mới bằng việc đưa con, cháu đến nghĩa trang để viếng mộ, thắp hương tưởng nhớ người thân đã khuất. Ông Cư cho hay: “Năm nào cũng vậy, đúng sáng mùng 1 Tết, các thành viên trong gia đình tập trung đông đủ để cùng nhau ra nghĩa trang Trà Đa tảo mộ, thắp hương ông bà, tổ tiên. Đây là nét văn hóa truyền thống của dân tộc nên mình phải giữ gìn cũng như giáo dục con cháu về nguồn cội, lòng biết ơn tổ tiên".
 
Tương tự, 4 thành viên trong gia đình ông Lê Minh Hải (đường Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) có mặt tại Nghĩa trang thành phố từ khá sớm để đặt chậu hoa, thắp hương người thân. "Sáng mùng 1 Tết hàng năm, tôi đều dẫn con cái lên thắp hương cho ông bà đang yên nghỉ ở đây. Việc này vừa để giữ gìn truyền thống của ông cha để lại, vừa con cháu biết mồ mả của ông bà mình ở đâu và qua đây giáo dục cho các con phải nhớ đến tổ tiên. Đồng thời, cầu mong ông bà phù hộ gia đình năm mới nhiều sức khỏe, bình an”-ông Hải chia sẻ.

 Sáng sớm mùng Một Tết, nhiều gia đình đã có mặt tại nghĩa trang An Khê tạo mộ ông bà-Ảnh Ngọc Minh
Sáng sớm mùng 1 Tết, nhiều gia đình đã có mặt tại Nghĩa trang thị xã An Khê để tảo mộ ông bà. Ảnh: Ngọc Minh


Không khí tảo mộ tại Nghĩa trang thị xã An Khê sáng sớm mùng 1 Tết cũng khá nhộn nhịp. Anh Nguyễn Thành Huy (tổ 7, phường An Phú) bày tỏ: “Đã thành truyền thống, sáng mùng 1 Tết, cả gia đình tôi đều đi tảo mộ, trước là báo cáo công việc, sau cầu mong ông bà phù hộ cho gia đình sức khỏe, bình an, công việc ngày càng phát triển và thuận lợi. Năm mới, tôi cũng mong nước ta nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, nhà nhà bình an, hạnh phúc”.

Tết là dịp để mọi người trong gia đình dành thời gian bên nha, cũng là dịp để chúng ta hướng về cội nguồn. Do đó, dù có đi làm ăn xa hay khó khăn gì thì ai cũng muốn quay về nhà ngày Tết, thăm lại mồ mả tổ tiên, ông bà. Tục tảo mộ vì thế đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt.

 

NHÓM PHÓNG VIÊN