Kinh tế

Tài chính

Gia Lai nỗ lực phấn đấu đạt tăng trưởng tín dụng 7%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Lời Tòa soạn: Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)-Chi nhánh tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 7% so với năm trước. Nguồn vốn tín dụng tập trung vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh để thúc đẩy kinh tế địa phương tăng trưởng nhanh, bền vững.

Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc NHNN-Chi nhánh tỉnh.

* P.V: Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng 7%, NHNN-Chi nhánh tỉnh định hướng nguồn vốn tín dụng đưa vào nền kinh tế như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc NHNN-Chi nhánh tỉnh. Ảnh: S.C

Ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc NHNN-Chi nhánh tỉnh. Ảnh: S.C

- Ông NGUYỄN HỮU NGHỊ: Theo ghi nhận kết quả hoạt động ngân hàng năm 2023, tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt mức khả quan với số tăng tuyệt đối 13.713 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong quý IV-2023, tăng trưởng nhanh và đều đặn. Riêng tháng 12, số tăng tuyệt đối tới 3.906 tỷ đồng. Tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm đạt 13,3%, cao hơn so với dự kiến từ đầu năm.

Từ nhu cầu và tín hiệu tích cực của nền kinh tế, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã tập trung vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển nông nghiệp, nông thôn, năng lượng tái tạo. Hầu hết các chi nhánh đều có sự tăng trưởng so với năm 2022.

Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, vấn đề tiếp cận tín dụng cơ bản thuận lợi và thông suốt, năm 2024, NHNN-Chi nhánh tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 7% so với năm 2023.

Để đạt mục tiêu này, NHNN-Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại bám sát kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tập trung đầu tư vốn tín dụng vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Đồng thời, nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu vốn tín dụng theo hướng mở rộng đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ... Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, đưa nguồn vốn đi vào thực chất nền kinh tế để tạo động lực tăng trưởng ổn định, bền vững.

* P.V: Năm 2024, nền kinh tế dự báo tiếp tục đối diện với khó khăn, thách thức. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ có tiếp tục được duy trì hay không, thưa ông?

- Ông NGUYỄN HỮU NGHỊ: Năm 2023 là một năm đặc biệt khó khăn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm, đưa mặt bằng lãi suất cho vay về bằng thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Song song với giảm lãi suất, NHNN đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước với doanh số cho vay lũy kế gần 54 tỷ đồng, dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất là 6,2 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ lãi suất lũy kế hơn 602 triệu đồng.

Đồng thời, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại là hơn 1.318 tỷ đồng với 65 lượt khách hàng.

Ngoài ra, các chi nhánh ngân hàng đã thực hiện các chương trình tín dụng hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch với doanh số cho vay hơn 496 tỷ đồng/6.626 lượt khách hàng.

Bước vào năm 2024, NHNN Việt Nam đã nhận diện rõ các thách thức đối với nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, NHNN-Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của NHNN Việt Nam cho đến hết ngày 30-6-2024.

Thông qua các chính sách hỗ trợ này nhằm tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp có thêm nguồn lực ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, thách thức ở phía trước.

Năm 2024, ngành Ngân hàng tỉnh tập trung nguồn vốn tín dụng vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của Gia Lai. Ảnh: S.C

Năm 2024, ngành Ngân hàng tỉnh tập trung nguồn vốn tín dụng vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của Gia Lai. Ảnh: S.C

* P.V: Vấn đề kiểm soát chất lượng tín dụng được NHNN-Chi nhánh tỉnh quan tâm thực hiện như thế nào trong năm nay, thưa ông?

- Ông NGUYỄN HỮU NGHỊ: Theo đánh giá của NHNN, cuối năm 2023, nợ xấu toàn ngành Ngân hàng tỉnh chỉ chiếm 1,46% tổng dư nợ, giảm 0,12% so với cuối năm 2022. Mặc dù nợ xấu giảm nhiều song vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trong năm nay, NHNN-Chi nhánh tỉnh chủ động đề ra các giải pháp đồng bộ, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại xử lý kịp thời các vấn đề tiềm ẩn rủi ro như nợ xấu, tăng cường công tác kiểm tra sử dụng vốn trước, trong và sau khi cho vay nhằm hạn chế phát sinh nợ xấu, giảm thiểu nguy cơ rủi ro, có biện pháp thu hồi nợ tồn đọng để tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng. Chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ.

Về phía NHNN-Chi nhánh tỉnh tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát, chú trọng thanh tra về chất lượng tín dụng, việc chấp hành các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Thông qua đó, tăng cường khả năng phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro trong hoạt động ngân hàng, tăng cường giám sát hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân, thực hiện tốt công tác phòng-chống tham nhũng và rửa tiền.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm