(GLO)- Những cây gỗ quý có tuổi đời hàng chục năm được người dân xã Ia Phí (huyện Chư Pah, Gia Lai) giữ lại chăm sóc tại các khu rẫy sản xuất. Vậy nhưng, chỉ vài bữa sau khi có người lân la đến hỏi mua, nhiều cây gỗ quý từng được trả giá hàng chục triệu đồng đã “không cánh mà bay”. Thậm chí, có hộ cất gỗ quý trong nhà cũng bị kẻ gian lẻn vào lấy trộm.
“Chảy máu” gỗ quý ngoài rẫy
Khi khai hoang ruộng rẫy, người dân tộc Jrai ở xã Ia Phí luôn giữ lại những cây gỗ quý như: trắc, cẩm, giáng hương… để chăm sóc đợi ngày khai thác gỗ làm nhà, đóng vật dụng… Nhờ vậy, nhiều gia đình nơi đây vẫn giữ được các cây gỗ quý hàng chục năm tuổi trên rẫy. Nắm bắt được điều này, nhiều đối tượng đã tìm đến xã Ia Phí cưa trộm gỗ quý của bà con.
Mới đây nhất, ngày 2-12, gia đình ông Rơ Châm Te (làng Óp) đã bị kẻ gian cưa trộm cây gỗ hương trên 40 năm tuổi. Đây là một trong những cây gỗ hương lớn nhất ở làng Óp, đường kính thân cây một vòng tay người lớn ôm không xuể. Đáng nói là trước đó ít ngày có một người ở tỉnh Kon Tum đã tìm gặp gia đình ông Te hỏi mua cây gỗ hương này với giá 40 triệu đồng. “Họ ghé vào nhà hỏi mua miết. Mình sợ mất nên ngày nào cũng nhắc con ra rẫy cách nhà gần 4 km để kiểm tra. Bẵng đi 3 hôm nhà mình bận thu hái cà phê không ghé qua được thì cây đã bị cưa trộm”-ông Te kể lại.
Chị Rơ Châm Gluch bên phần gốc cây gỗ hương bị cưa trộm. Ảnh: Lê Hòa |
Chị Rơ Châm Gluch-con gái ông Te-cho biết: Tại khu vực cây gỗ hương bị cưa trộm có rất nhiều vỏ thuốc lá và một chiếc găng tay bỏ lại. Dấu vết bánh xe máy vẫn còn in rõ trên nền đất. “Tôi đã thu thập đầy đủ các vật chứng này đem giao nộp, đồng thời trình báo cụ thể sự việc với Công an xã Ia Phí. Có người trong làng đi chăn trâu tại khu vực này còn nhìn thấy 2 người đàn ông cưa cây gỗ hương nhưng tưởng bố mẹ tôi bán nên không lại hỏi”-chị Gluch nói.
Tại làng Óp cũng từng xảy ra nhiều vụ cưa trộm cây gỗ quý ngoài rẫy. Ngay cả nhà ông Rơ Châm Háo-Trưởng thôn-cũng từng bị mất 2 cây gỗ hương trên 40 năm tuổi vào mùa mưa năm ngoái. “Hai cây gỗ hương nhà tôi nằm sát đường liên xã nối từ Ia Phí qua xã Ia Chim (TP. Kon Tum). Các đối tượng đã lợi dụng thời điểm mưa nhiều, người nhà ít đi thăm rẫy nên lén cắt trộm đưa đi”-ông Háo nói. Một điều trùng hợp là trước khi 2 cây gỗ hương này bị cưa trộm một thời gian cũng có người ở tỉnh Kon Tum tìm đến nhà ông Háo hỏi mua. Mức giá họ đưa ra cho 2 cây gỗ hương là 30 triệu đồng.
Ông Rơ Châm Rốt (làng Óp) cũng 3 lần bị cưa trộm cây gỗ quý trong vườn nhà. “Cuối năm 2014, nhà mình bị cưa trộm 4 cây gỗ hương. Đến năm 2016, kẻ gian lại cưa trộm tiếp 3 cây trắc lớn. Lần thứ ba, họ cưa hết toàn bộ 5 cây trắc lớn, nhỏ”-ông Rốt nói. Trước khi số cây trên bị cưa trộm cũng có một số người tìm đến nhà ông Rốt trả giá hàng chục triệu đồng cho mỗi cây…
Gỗ cất trong nhà cũng mất
Không chỉ những cây gỗ quý ngoài rẫy bị kẻ gian cắt trộm, tại xã Ia Phí từng xảy ra vụ trộm gỗ trắc cất ngay trong nhà khiến người dân địa phương xôn xao. “Hôm ấy là ngày 20-1-2018. Nhân lúc gia đình mình đi dự đám cưới, kẻ gian đã phá cửa nhà kho lấy đi 5 cây cột gỗ trắc lớn cất bên trong. Trước đó, nhà mình từng 2 lần bị trộm cột gỗ trắc nên mình không dám nói với ai chuyện cất gỗ trong kho, chỉ có một vài người thân cận trong làng biết”-ông Rơ Châm Hil (làng KTe) nhớ lại.
Căn nhà sàn của vợ chồng ông Hil có khá nhiều cột bằng gỗ trắc. Trước đây, ông Hil không biết đây là loại gỗ quý, chỉ thấy gỗ tốt thì đem làm nhà. “Trước đó có một người ở làng Lút (xã Ia Phí) qua xem gỗ rồi trả giá 1,2 tỷ đồng để mua toàn bộ số cột gỗ trắc của ngôi nhà sàn. Họ đặt cọc 1 triệu đồng xong không thấy quay lại mua. Một thời gian sau, gia đình mình bị mất 2 cột gỗ trắc làm cột trụ phần hiên nhà sàn, sau đó mất thêm 3 cột. Lo sợ bị mất tiếp, mình gỡ 5 cột trụ cất vào nhà kho thì xảy ra việc kẻ gian phá kho lấy cắp 5 cây cột gỗ”-ông Hil nói.
Khó tìm ra thủ phạm
Trung tá Trần Văn Linh-Phó Trưởng Công an huyện Chư Pah: “Nhiều vụ mất trộm gỗ, người dân không báo cáo cơ quan chức năng. Giá trị tài sản lớn như vậy, sau khi định giá, nếu xác định được đối tượng thì hoàn toàn có thể khởi tố hình sự. Tuy nhiên, các vụ án trộm cắp nói chung và cắt trộm, lấy trộm gỗ nói riêng hầu hết là “án mờ”, rất khó điều tra làm rõ”.
|
Theo những người dân xã Ia Phí, họ nghi ngờ có người móc nối, câu kết với các đối tượng bên ngoài để “chỉ điểm” quy luật giờ giấc sinh hoạt của bà con, đường đi lối lại… nhằm thực hiện các vụ trộm gỗ táo tợn. “Khu rẫy nhà mình cách đường lớn gần 2 km, đường đất rất hẹp và khó đi. Thường ngày, bà con đều lùa bò lên rẫy và đi khai thác mủ cao su qua đây. Nhà mình cũng chăm đi thăm rẫy, đúng ngày bận hái cà phê không ra thăm được thì cây bị cưa trộm”-ông Te cho biết.
Trao đổi với P.V về các trường hợp bị trộm mất gỗ quý trên địa bàn, ông Rơ Châm Yúi-Trưởng Công an xã Ia Phí-cho biết: Những năm gần đây, Công an xã có nắm được thông tin một số trường hợp nhà dân bị cưa trộm cây gỗ quý trong vườn, rẫy. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào điều tra ra thủ phạm. Có trường hợp, người dân khi phát hiện thì thời gian bị trộm đã khá lâu, dấu vết đã mất nhiều. Các đối tượng gây ra các vụ trộm bất ngờ, khó nắm bắt được quy luật để theo dõi. “Chúng tôi nhắc nhở bà con trước hết phải tự nâng cao ý thức bảo vệ tài sản, thường xuyên đi thăm nom rẫy để tránh mất cắp gỗ quý và các tài sản khác”-ông Yúi nói.
Trong khi đó, Trung tá Trần Văn Linh-Phó Trưởng Công an huyện Chư Pah thì thông tin: Cách đây 2 năm, Công an huyện có nắm được một vụ trộm 3 cây gỗ trắc ở làng Pok (xã Ia Khươl). Người dân xác định đối tượng nghi vấn ở Kon Tum nhưng qua kiểm tra, xác minh thì không phải. Trước đó, tại địa bàn xã Ia Phí cũng xảy ra một trường hợp người dân bắt được đối tượng ở xã Hòa Phú cắt trộm cây gỗ hương và đòi phạt 200 triệu đồng. Sau khi thương lượng, các đối tượng trộm cắp chịu phạt 40 triệu đồng. Ông Linh cũng xác nhận, những trường hợp mất trộm gỗ quý do P.V đề cập, Công an huyện chưa nắm được thông tin.
Lê Hòa