Pháp luật

Gia Lai: “Nóng” tai nạn giao thông liên quan đến xe công nông, máy kéo nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2023, tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe công nông, máy kéo nhỏ trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng cả 3 chỉ số so với năm 2022.

Trước thực tế đó, các ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế, kéo giảm TNGT liên quan đến loại phương tiện đặc thù này.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh có hơn 37.000 xe công nông, máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp. Các phương tiện này thường không có hệ thống đèn chiếu sáng, không có phản quang nhận diện dẫn đến nhiều vụ TNGT xảy ra vào thời điểm đêm tối tại tuyến đường giao cắt với quốc lộ, tỉnh lộ.

Riêng năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 25 vụ TNGT liên quan đến xe công nông làm 18 người chết, 14 người bị thương, tăng cả 3 tiêu chí so với năm 2022.

Sở Giao thông-Vận tải và các địa phương, trung tâm đào tạo tích cực vận động, khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia học, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 để có kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Ảnh: M.P

Sở Giao thông-Vận tải và các địa phương, trung tâm đào tạo tích cực vận động, khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia học, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 để có kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Ảnh: M.P

Ông Vũ Đình Hạnh-Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban An toàn giao thông (ATGT) huyện Chư Prông-cho biết: Toàn huyện có đến 3.800 xe công nông, 2.207 xe máy kéo nhỏ (gồm máy cày, máy gặt lúa các loại) phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân.

Vào mùa vụ, bà con sử dụng các phương tiện này lưu thông trên quốc lộ, tỉnh lộ, đi vào khu đô thị để đến nơi sản xuất, vận chuyển nông sản từ rẫy về nhà hoặc đến các cơ sở thu mua khiến công tác đảm bảo trật tự ATGT vô cùng phức tạp.

Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho rằng, do địa hình đồi dốc khó khăn trong khâu vận chuyển nên chưa có phương tiện nào thay thế xe công nông, máy kéo nhỏ. Vì vậy, tình trạng người điều khiển xe công nông, máy kéo nhỏ vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn còn xảy ra.

Đặc biệt, năm 2023, trên địa bàn huyện xảy ra 3 vụ TNGT liên quan đến xe công nông, máy kéo nhỏ làm 3 người chết, tăng 1 vụ, tăng 1 người chết so với năm 2022.

“Mặc dù Ban ATGT huyện cũng như các xã, thị trấn tích cực phối hợp cùng lực lượng Công an thường xuyên tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn chủ các phương tiện này tham gia giao thông đảm bảo an toàn; nhắc nhở gần 100 trường hợp vi phạm, ký cam kết với hơn 3.000 chủ phương tiện nhưng việc vi phạm vẫn còn xảy ra”-ông Hạnh nêu thực trạng.

Trong khi đó, huyện Đak Đoa hiện có hơn 6.000 xe công nông, máy kéo nhỏ, tập trung chủ yếu tại các xã: Glar, A Dơk, Nam Yang, Kdang… Mỗi sáng, trên khắp các tuyến đường liên thôn, liên xã, thậm chí trên quốc lộ 19 hay tỉnh lộ, những chiếc xe công nông vẫn xuôi ngược lưu thông. Bất chấp nguy hiểm, không ít chủ xe công nông còn chở nhiều người trên thùng xe.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, xe công nông là phương tiện chính để chuyên chở nông sản, phục vụ sản xuất và đi lại ở các tuyến đường đèo dốc. Song không vì thế mà bỏ qua những mối nguy hiểm tiềm ẩn TNGT liên quan đến loại phương tiện này.

Xe công nông chở người phía sau thùng xe vẫn còn tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ảnh: M.P

Xe công nông chở người phía sau thùng xe vẫn còn tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ảnh: M.P

Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Vinh-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Đak Đoa) cho hay: Đội đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành rà soát tất cả các loại phương tiện và đánh số thứ tự theo từng địa phương, từng hộ dân để quản lý, theo dõi.

Mặt khác, lực lượng Công an còn đến tận nhà yêu cầu chủ phương tiện ký cam kết không lưu thông trên quốc lộ, tỉnh lộ và không chở người, hàng hóa cồng kềnh tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát Giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, khi phát hiện phương tiện chở người trên thùng xe sẽ xử lý nghiêm và thông báo về địa phương yêu cầu viết cam kết không tái phạm; đồng thời tổ chức các buổi tuyên truyền ở khu vực người dân thường xuyên vi phạm.

Để kéo giảm TNGT liên quan đến phương tiện này, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết: Ban ATGT huyện, xã phối hợp với lực lượng chức năng yêu cầu các chủ phương tiện lắp đặt phản quang đối với 2.347 xe công nông, lắp đặt đèn chiếu sáng đối với 100% phương tiện. Mặt khác, huyện cũng thường xuyên tổ chức đánh giá công tác đảm bảo ATGT đối với loại phương tiện này, đồng thời bố trí lực lượng Công an tích cực tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

Trao đổi với P.V, ông Phan Hữu Hiếu-Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh-thông tin: Thực tế tại địa phương, xe công nông, máy kéo nhỏ vẫn tham gia giao thông ở nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Tỷ lệ người dân có giấy phép lái xe hạng A4 còn rất thấp (chỉ có 232 giấy phép lái xe hạng A4/37.000 máy kéo nhỏ).

“Hiện nay, Sở Giao thông-Vận tải và các địa phương, trung tâm đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe tích cực vận động, khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia học và sát hạch giấy phép lái xe hạng A4 để có kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn"-ông Hiếu cho biết.

Có thể bạn quan tâm